Ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Lễ ký kết

Đến dự và chứng kiến Lễ ký kết hợp tác, có ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ, ông Trần Việt Trường - Phó Bí thư Thành Ủy, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè - Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, ông Ngô Anh Tín – Thành ủy viên, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, GS.TS. Nguyễn Thanh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ, TS. Đỗ Thị Tuyết Nhung – Chủ tich Hội đồng Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, PGS.TS.BS Nguyễn Minh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, TS. Nguyễn Văn Cương – Hiệu trưởng Trường Bách khoa, Đại học Cần Thơ. Phía doanh nghiệp bán dẫn, có TS. Lê Quốc Cường – Phó trưởng Ban quản lý Khu CNC TP. Hồ Chí Minh, ông Trương Công Minh Hiển – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu, GS.TS Đặng Lương Mô – Giáo sư danh dự đại học Hosei Tokyo, cố vấn cấp cao Quốc gia vi mạch bán dẫn, Chủ tich Hội đồng khoa học – Đào tạo Sun Edu, ông Lưu Huê Tiến – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu, ông Phùng Đức Tuấn Cường – Tổng Giám đốc Ansys Vietnam, TS. Lê Quang Đạm – Tổng giám đốc Công ty Marvell Việt Nam, TS. Nguyễn Vũ Lưu – Giám đốc thiết kế vi mạch Công ty Ampere Computing.

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên Dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ phát biểu tại Lễ ký kết

Phát biểu tại buỗi lễ, ông Huỳnh Thành Đạt - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ nhấn mạnh, nhân lực chất lượng cao, nhất là các ngành công nghiệp quan trọng như công nghiệp vi mạch bán dẫn có vai trò đặc biệt quan trọng trong chương trình hoạt động khoa học và công nghệ Quốc gia. Nhân lực cũng chính là điều kiện tiên quyết để Việt Nam có thể tham gia sâu hơn vào chuỗi doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn toàn cầu. Đây là ngành công nghiệp có vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế thế giới với quy mô thị trường toàn cầu đạt trên 520 tỷ USD/năm trong năm 2023 và vẫn tiếp tục tăng trưởng nhanh. Trong hơn 3 năm qua, chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn đã được định hình và có hàng rào thương mại rất cao. Rất có thể các quốc gia đang phát triển có thể muốn tham gia vào. Vì vậy, sau Covid-19 và sự cạnh tranh công nghệ giữa các nền kinh tế lớn, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và các yếu tố cần thiết để phát triển hệ sinh thái ngành công nghệ bán dẫn có tiềm năng để nâng cao vị trí của mình trong chuỗi cung ứng công nghệ bán dẫn trong tương lai. Trong thời qua, hành lan pháp lý tạo điều kiện ưu tiên thu hút đầu tư, hợp tác, phát triển bán dẫn được đặc biệt quan tâm xây dựng, đầu tư và thuế thu nhập doanh nghiệp đã bổ sung các ưu đãi đặc biệt cho các dự án công nghệ cao có quy mô lớn, giá trị gia tăng cao. Trong đó, bao gồm các dự án công nghệ bán dẫn. Riêng đối với ngành khoa học và công nghệ 2022, Quốc hội đã ban hành Luật sửa đổi bổ sung Luật sở hữu trí tuệ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư nước ngoài đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp, thiết kế bố trí,… để đảm bảo quyền lợi cho các doanh nghiệp này.

Vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã được Chính phủ và Thủ tướng giao xây dựng sửa đổi Quy định về khu công nghệ cao và bổ sung khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Theo đánh giá của các địa phương Quy định này rất thông thoát, tạo điều kiện cho các khu công nghiệp cao cũng như các khu công nghệ ứng dụng công nghệ cao hoạt động,… Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý công bố kết quả tính toán trên hệ thống về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. TP. Cần Thơ đứng vị trí TOP 5 của cả nước về chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương. Điều này chứng tỏ năng lực của Cần Thơ về đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học và công nghệ vào thực tiễn và đời sống góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Theo chỉ số đổi mới sáng tạo vừa công bố ngày 12/3/2024, Cần Thơ có sự nổi trội về sản phẩm sáng tạo công nghệ với đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích, giống cây trồng. Cần Thơ được đánh giá đặc biệt giữa nghiên cứu và phát triển cùng với chỉ số sản xuất công nghiệp, số sản phẩm OCOP bốn sao ngày càng cao. 

GS.TS. Nguyễn Thanh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ phát biểu tại Lễ ký kết

 TS. Lê Quang Đạm – Tổng giám đốc Công ty Marvell Việt Nam phát biểu tại Lễ ký kết

 

Phát biểu tại lễ ký kết, ông Nguyễn Văn Hiếu - Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Cần Thơ nhấn mạnh, trong kỷ nguyên số hiện đại, ngành điện tử và vi mạch bán dẫn đã trở thành lĩnh vực cốt lõi của cuộc cách mạng Công nghiệp 4.0, là một trong những lĩnh vực quan trọng để phát triển các sản phẩm kỹ thuật số như máy tính, điện thoại di động, thiết bị IoT và nhiều ứng dụng khác. Ngành điện tử và vi mạch bán dẫn là cơ sở kỹ thuật cho các lĩnh vực khác như truyền thông, y tế và năng lượng, đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng điện tử trong các nước phát triển.

Khác với nhiều ngành công nghiệp hiện có, vi mạch bán dẫn là một lĩnh vực công nghệ cao vô cùng phức tạp, tinh vi. Các công đoạn trong sản xuất vi mạch có thể gói gọn vào ba khâu chính là (1) thiết kế, (2) chế tạo và (3) lắp ráp, kiểm tra, đóng gói. Trong đó, hai mảng thiết kế và lắp ráp, kiểm tra, đóng gói có chi phí thấp hơn nhiều so với khâu sản xuất chế tạo đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu rất lớn vượt quá khả năng và trình độ khoa học và công nghệ của Việt Nam hiện nay. Việc tham gia vào các khâu thiết kế và lắp ráp, kiểm tra, đóng gói đang được xác định là cơ hội và tương lai cho Việt Nam tham gia chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ trung ương đến địa phương, trong đó có thành phố Cần Thơ.

Nghi thức ký kết thỏa thuận hợp tác giữa các đơn vị

Bộ trưởng Bộ KH-CN và Bí thư Thành ủy Cần Thơ trao Giấy chứng nhận bản quyền License cho hai Trung tâm vi mạch CESC1 (Đại học Cần Thơ) và CESC2 (Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ)

Vì vậy, nhu cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn trên cả nước là rất lớn. Do đó, một trong các giải pháp hàng đầu để phát triển ngành công nghiệp điện tử và vi mạch bán dẫn là sớm phát triển nguồn nhân lực chuyên môn, nhất là nguồn nhân lực trong nước có trình độ cao, ổn định, cạnh tranh để xây dựng và thu hút các Công ty thiết kế vi mạch lớn trên thế giới đến hoạt động tại Việt Nam. Từ kinh nghiệm của các địa phương như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng, thành phố Cần Thơ đang tập trung xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ 4.0, trước mắt tập trung ở khâu phát triển nguồn nhân lực điện tử và vi mạch bán dẫn định hướng cung ứng không chỉ cho thành phố mà còn cho vùng ĐBSCL.

Phát biểu tại Lễ ký kết, GS.TS. Nguyễn Thanh Phương – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, việc ký kết hợp tác nhằm phát huy thế mạnh của Trường Đại học Cần Thơ và thế mạnh của công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu, sẽ tạo thêm thế mạnh của đôi bên và cùng nhau đóng góp vào sự phát triển các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực về điện tử và vi mạch bán dẫn đang có nhu cầu cho xã hội và cũng đóng góp vào sự phát triển của thành phố Cần Thơ. Bên cạnh đào tạo, đôi bên có thể hợp tác đẩy mạnh thêm các hoạt động về nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ và phát triển hợp tác trong tư vấn hỗ trợ các chương trình trụ cột phát triển kinh tế xã hội, thúc đẩy sự phát triển bền vững kinh tế xã hội của TP. Cần Thơ.

Phát biểu tại Lễ ký kết, TS. Lê Quang Đạm – Tổng giám đốc Công ty Marvell Việt Nam, cho biết về tầm quan trọng của ngành công nghiệp bán dẫn; Làm thế nào chúng ta có thể đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn và thiết kế vi mạch; Đối với doanh nghiệp, nhu cầu thực tế như thế nào khi chúng ta đào tạo nguồn nhân lực để sinh viên có việc làm, có thu nhập tốt và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam nói chung và của Cần Thơ nói riêng.

Đại biểu tham dự

Ký kết hợp tác bốn bên giữa đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, Công ty Cổ phần Giáo dục Quốc tế Sun Edu là một bước tiến quan trọng thúc đẩy hoạt động đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn tại Cần Thơ và vùng ĐBSCL; góp phần hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt ở lĩnh vực này cho TP. Cần Thơ trong tương lai; thúc đẩy hỗ trợ, thu hút các dự án đầu tư lớn và góp phần phát triển kinh tế của thành phố.

Đại biểu chụp hình lưu niệm tại Lễ ký kết

Theo bản ghi nhớ hợp tác, các bên sẽ cùng hợp tác tổ chức có hiệu quả chương trình đào tạo, bồi dưỡng, phát triển và mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực điện tử và vi mạch bán dẫn cho TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL, nhằm tạo sự lan tỏa và chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn để đón đầu nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn đến TP. Cần Thơ trong thời gian tới.

Qua đó, phối hợp tổ chức các khóa đào tạo chuyên sâu cho các đối tượng là giảng viên, cán bộ quản lý có chuyên môn về điện tử và vi mạch bán dẫn tại TP. Cần Thơ và vùng ĐBSCL; Tổ chức chương trình đào tạo sinh viên kỹ thuật trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao về thiết kế vi mạch bán dẫn.