PGS.TS Vũ Hải Quân và các nhà khoa học tại gian hàng triễn lãm của ĐHQG-HCM.Tham gia triễn lãm, Trường ĐH Bách Khoa ĐHQG-HCM đã giới thiệu Hệ sinh thái giám sát số, ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (TRIS) với các ứng dụng nổi bật như TriS Face - nhận diện khuôn mặt, TriS VMS - trung tâm tích hợp tất cả loại Camera và đầu ghi, TriS Re-ID - tìm kiếm đối tượng là người hoặc phương tiện giao thông theo hình ảnh/mô tả nhận dạng… Với thế mạnh về nghiên cứu trí tuệ nhân tạo, Trường ĐH KHTN đã trình làng những ứng dụng nổi bật như Thực tại ảo hỗ trợ đào tạo, giảng dạy; Phát triển một số kịch bản về y khoa trong điều trị và chẩn đoán; Hỗ trợ chẩn đoán y khoa dựa vào hình ảnh…
Là một trong những đầu tàu về lĩnh vực kỹ thuật y sinh những năm gần đây, Trường ĐH Quốc Tế mang đến nhiều sản phẩm nghiên cứu được cộng đồng quốc tế công nhận trước đó như Keo thông minh chữa lành vết thương; Thiết bị viễn áp trong giám sát y khoa; Băng gạc y tế - Bột cầm máu; Xương nhân tạo. Khu Công nghệ phần mềm và Viện Tế bào gốc ĐHQG-HCM - hai địa chỉ vàng trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nghiên cứu chuyển giao công nghệ tế bào gốc cũng giới thiệu nhiều sản phẩm làm nên thương hiệu của mình như iNut-Platform: Nền tảng hỗ trợ nông nghiệp thông minh, thuốc tế bào gốc cho điều trị tổn thương sụn khớp cartilatist…
PGS.TS Vũ Hải Quân - Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Thường trực ĐHQG-HCM, cho biết: “Với sự tham gia của hàng chục quỹ đầu tư và nhiều doanh nghiệp lớn, đây là cơ hội để ĐHQG-HCM giới thiệu và tìm kiếm nguồn hỗ trợ, hợp tác, kết nối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài lẫn Việt Nam trong hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ trong thời gian tới”.
Đây là Triển lãm quốc tế đầu tiên về đổi mới sáng tạo, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ KH&CN, Bộ TT&TT, Bộ GD&ĐT tổ chức. Triển lãm nhằm tôn vinh và giới thiệu những hoạt động đổi mới sáng tạo của các chủ thể tích cực trong hệ sinh thái Việt Nam, thu hút sự tham gia của nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn như Samsung, Intel, Dell, Hitachi…