Hoạt động đầu tiên diễn ra trong các ngày 4-5.5.2021 nhằm khởi động nhóm công việc số 5 “Xây dựng bộ công cụ lập kế hoạch chiến lược” nhằm nâng cao năng lực quản trị đại học cho các trường tham gia dự án, chia sẻ kinh nghiệm trong việc xây dựng kế hoạch chiến lược của các trường thành viên, tạo động lực để các trường thành viên xây dựng kế hoạch chiến lược sát với thực tiễn và có tính khả thi. Các điều phối viên dự án đã được tập huấn để xây dựng 1 định hướng chiến lược trong 1 lĩnh vực cụ thể (ví dụ: đào tạo, nghiên cứu khoa học, nhân sự…), từ chiến lược này xác định mục tiêu cụ thể và kết quả mong đợi, tiến tới các kế hoạch hành động cụ thể để đạt được mục tiêu.

Hoạt động thứ 2 diễn ra trong các ngày 6-7.5.2021 là một khoá tập huấn có tiêu đề “Bộ công cụ hỗ trợ triển khai dự án dựa trên hệ thống thông tin hỗ trợ việc ra quyết định”. Khoá tập huấn đã thu hút gần 150 cán bộ, giảng viên, chuyên viên của 8 trường đại học châu Á bao gồm: Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG HCM, Trường ĐH Hà Nội, Trường ĐH Giao thông Vận tải, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng, Trường ĐH Kinh tế, Luật – ĐHQG HCM, Viện Công nghệ Campuchia, Trường ĐH Khoa học Sức khoẻ Campuchia. Với hoạt động này, người tham gia đã tìm hiểu về Hệ thống thông tin của một trường đại học, cách sử dụng Bảng tổng hợp thông tin để ra các quyết định quan trọng trong chiến lược phát triển của một trường đại học.

Hội thảo và khoá tập huấn có sự tham gia trực tuyến của đại diện Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), đại diện lãnh đạo các trường thành viên của dự án PURSEA và điều phối dự án. Về phía Nhà trường có sự tham dự của TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng cùng đại diện các phòng, khoa.

TS. Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội phát biểu tại hội thảo.

TS. Lê Hoàng Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM tại phát biểu tại hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Hoàng Dũng - Phó Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG - HCM nhấn mạnh: “ Trong lĩnh vực đại học nói chung và quản trị đại học nói riêng chúng ta phải thừa nhận rằng còn rất nhiều điều cần học hỏi, cải tiến và hoàn thiện dần… Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn ĐHQG TP.HCM với lịch sử hình thành và phát triển hơn 60 năm, đào tạo hơn 58 chuyên ngành bậc đại học và sau đại học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn với quy mô hơn 15 ngàn sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh mỗi năm thì việc đổi mới và sáng tạo trong quản trị đại học là không hề dễ dàng. Ý thức được sứ mạng và tầm nhìn đối quá trình phát triển, Nhà trường đã không ngừng đổi mới để đáp ứng những yêu cầu từ thực tế xã hội. Việc tham gia vào dự án đổi mới quản trị đại học Đông Nam Á là một cơ hội rất tuyệt vời cho nhà trường”.

TS. Nguyễn Thị Cúc Phương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Hà Nội, đại diện cho Trường ĐH Hà Nội là điều phối viên dự án đã biểu dương tinh thần làm việc tích cực của các trường đại học thành viên tham gia dự án. Bất chấp Covid, các trường đại học châu Á đã hoàn thành công việc của các nhóm hoạt động số 2, 3, 4 theo đó, các trường đã thu thập dữ liệu khảo sát để xây dựng chiến lược phát triển của mỗi trường tuỳ theo đặc thù của trường mình. Các chuyên gia châu Âu phụ trách dự án, đặc biệt là bà Sabine Goulin (Phó tránh văn phòng, ĐH Lorraine, Pháp), ông Thierry Bontems (phụ trách chất lượng và quản trị, Phòng nghiên cứu PACTE, Trung tâm nghiên cứu quốc gia Pháp) và ông Claude-Emmanuel Leroy (phụ trách dự án, AUF) đã rất tích cực tập huấn, hướng dẫn và theo sát công việc của từng trường.

Các thành viên nòng cốt của dự án trình bày trực tuyến về phần xây dựng cơ chế hoạch định chiến lược.

TS. Lê Hoàng Dũng cho biết, từ năm 2019, Nhà trường đã cử nhiều cán bộ ở các tổ soạn thảo chiến lược tham gia vào dự án. Chính đội ngũ này là lực lượng nòng cốt để xây dựng chiến lược Nhà trường trong giai đoạn hiện này và sắp tới. Ông cũng gửi lời cảm ơn Liên minh châu Âu đã tài trợ dự án, Trường Đại học Hà Nội đã điều phối dự án cùng với Tổ chức đại học Pháp ngữ cũng như tất cả các thành viên là nòng cốt của dự án. TS. Lê Hoàng Dũng cũng gửi lời cảm ơn các chuyên gia đào tạo, các trường thành viên của dự án đã tích cực trao đổi cùng nhau để học hỏi, chia sẻ và lan rộng ra những giá trị rất tích cực của dự án.

Các đại biểu tham gia trực tuyến và trực tiếp tại hội thảo.