Tại hội thảo có sự tham gia của TS. Lý Thị Thu Lan – Phó Trưởng phòng Khoa học Công nghệ, TS. Nguyễn Văn Sáu – Trưởng khoa Khoa học Cơ bản cùng các đại biểu là thầy cô từ các Khoa KHCB, Khoa Kỹ thuật Công nghệ, Khoa Ngoại ngữ, Khoa Quản lý Nhà nước – Quản trị Văn Phòng, Trường THPT Long Hữu (huyện Duyên Hải) và Trường THPT Nguyễn Văn Hai (huyện Càng Long),…
Ban tổ chức cho biết hội thảo lần này đã nhận được nhiều bài báo cáo nghiên cứu về lý luận, thực trạng và chia sẽ thực tiễn áp dụng “Dạy học tích hợp” ở khối khoa học tự nhiên và khối khoa học xã hội của các nhà nghiên cứu, giảng viên, giáo viên phổ thông trong, ngoài Trường ĐH Trà Vinh.
Báo cáo đề dẫn hội thảo, TS. Nguyễn Văn Sáu cho biết: “Dạy học tích hợp không phải là vấn đề mới, bất cứ một người giáo viên, giảng viên nào cũng đã từng sử dụng các kỹ thuật này ở một mức độ nào đó trong quá trình dạy học, giúp cho người học biết được những điều hữu ích và thú vị trong cuộc sống. Đơn giản nhất thường thấy là, khi giảng viên liên hệ tới kiến thức môn học khác trong bài giảng của mình chính là dạy học tích hợp.”
ThS. Nguyễn Thị Nhã Phương – Giảng viên Khoa Ngoại ngữ đã trình bày nghiên cứu “Áp dụng chiến lược học hợp tác, tích hợp vào giảng dạy kỹ năng viết cho sinh viên ngành ngôn ngữ Anh”. Tác giả cho biết: “Kỹ năng viết là một kỹ năng khó và phức tạp nhất trong 4 kỹ năng tiếng Anh (nghe, nói, đọc và viết) vì nó không đơn thuần để kiểm tra khả năng sử dụng ngôn ngữ (như ngữ pháp, từ vựng và dấu câu) của người viết mà còn bao gồm sự phát triển về ý, sự trải nghiệm đối với các chủ đề khác nhau, vì vậy đã áp dụng một công cụ mới trong giảng dạy môn viết là tích hợp với việc học hợp tác mà trước đây chỉ thường dùng trong giảng dạy kỹ năng nghe và nói”. Tác giả khẳng định: “Việc tích hợp học hợp tác trong giảng dạy kỹ năng viết thật sự mang lại nhiều lợi ích: Giúp sinh viên có những cải thiện về mặt phát triển và lập luận ý; Nâng cao độ chính xác trong sử dụng từ vựng, cấu trúc ngữ pháp mới; Giúp sinh viên trở nên tích cực, chủ động hơn trong việc học và rèn luyện kỹ năng viết”.
ThS. Trầm Thái Vân – Giáo viên môn Vật lý, Trường THPT Long Hữu trình bày nghiên cứu “Tích hợp liên môn trong kiểm tra đánh giá môn vật lý theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh trung học phổ thông”.
Theo tác giả: “Tùy thuộc vào phạm vi tri thức được vận dụng để giải quyết vấn đề trong các tình huống khác nhau mà có các dạng dạy học tích hợp sau: Tích hợp các nội dung trong cùng một môn học; lồng ghép các nội dung giáo dục cần thiết (không phải là một môn học) vào nội dung của từng môn học tùy theo đặc trưng của từng môn; tích hợp các chủ đề chứa đựng nội dung gần nhau của các môn học, gọi là tích hợp liên môn; tích hợp xuyên môn bằng cách thiết kế các môn học tích hợp nhiều lĩnh vực khoa học (môn khoa học tự nhiên được tích hợp từ vật lý, hóa học, sinh học).
Kết quả của việc áp dụng tích hợp liên môn trong kiểm tra đánh giá môn vật lý tại Trường THPT Long Hữu là rất tích cực. Thông qua bài kiểm tra tích hợp có thể đánh giá được 4 mức độ yêu cầu khác nhau như mức độ nhận biết, mức độ thông hiểu, mức độ vận dụng thấp và mức độ vận dụng cao. Từ đó càng thấy rõ tính khoa học giữa các môn học, liên môn. Việc học tích hợp cho thấy học sinh càng yêu thích môn vật lý hơn và phát triển năng lực học tập của học sinh hơn.”
Hội thảo diễn ra thành công và hiệu quả. Hơn 20 bài viết thể hiện những quan điểm riêng, có tính nổi bật, thuyết phục và những bài viết đặc sắc sẽ được chọn in trong Tạp chí Khoa học kì tới của Trường Đại học Trà Vinh.