Hội thảo nhận được sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia giáo dục, cán bộ quản lý, giảng viên đến từ các cơ quan khoa học giáo dục trong cả nước, như: trường Đại học Thủ Dầu Một, Viện Ngiên cứu phát triển giáo dục và kinh tế EXIM, Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM, THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa,... BTC đã chọn ra 59 bài viết có chất lượng để tập hợp thành kỷ yếu. Nội dung các tham luận tập trung khai thác về 03 nhóm vấn đề, cụ thể: Tìm hiểu các mô hình học tập trải nghiệm; Thực trạng tổ chức các hoạt động dạy học trải nghiệm hiện nay; Phương pháp tổ chức dạy học trải nghiệm từ giáo dục mầm non đến bậc đại học.
Bàn về các nội dung hội thảo, 07 tác giả tham luận đã làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn của hoạt động dạy học trải nghiệm ở các cấp học, bậc học trong hệ thống giáo dục Việt Nam hiện nay. Trong đó, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh – Viện trưởng, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục và kinh tế EXIM đã trình bày tổng quan các mô hình học tập trải nghiệm, ưu nhược điểm và cách thức vận dụng các mô hình vào trong tổ chức dạy học. TS. Bùi Thị Việt – trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TP.HCM đã chia sẻ tham luận “Tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho trẻ mẫu giáo”, TS khẳng định, dạy học theo hướng trải nghiệm là một phương pháp có nhiều ưu điểm, kích thích được các tiềm năng sáng tạo và tư duy của trẻ, giúp việc tổ chức hoạt động khám phá khoa học cho trẻ đạt hiệu quả cao hơn. Hội thảo đã nghe các báo cáo viên của trường Đại học Thủ Dầu Một chia sẻ bài nghiên cứu về tầm quan trọng của vai trò dạy học trải nghiệm ở các môn học, học phần ở trường đại học. Theo đó, TS. Nguyễn Hoàng Huế đề xuất biện pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy học trải nghiệm từ phát triển đội ngũ giảng viên đại học; TS. Bùi Thị Huệ chia sẻ tham luận “Đào tạo giáo viên tiểu học tại trường Đại học Thủ Dầu Một theo hướng hòa hợp tích cực”; ThS. Nguyễn Thị Thu Trang trình bày chủ đề “Tổ chức dạy học thực hành theo mô hình học qua trải nghiệm nhằm phát huy tính tích cực rèn luyện năng lực dạy học chi sinh viên chuyên ngành giáo dục tiểu học”,…
Để hội thảo thực sự hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra, các tác giả tham luận, đại biểu tham dự đã bàn luận về vai trò, tác dụng, thực trạng của hoạt động dạy học trải nghiệm cũng như những cơ hội, thách thức của mô hình dạy học này ở các cấp học, bậc học. Đồng thời, tập trung tìm kiếm, đề xuất các giải pháp mang tính đột phá cần thực hiện, góp phần làm rõ hơn các mô hình dạy học trải nghiệm cũng như việc ứng dụng các mô hình này vào trong công tác đào tạo, giảng dạy ở các bậc học, ngành học. Thống nhất các ý kiến trao đổi, các đại biểu, các nhà khoa học đều khẳng định, dạy học trải nghiệm là một phạm trù bao hàm nhiều phương pháp, trong đó người dạy khuyến khích người học tham gia trải nghiệm thực tế, sau đó phản ảnh, tổng kết lại để tăng cường hiểu biết, phát triển kỹ năng, định hình các giá trị sống và phát triển tiềm năng của bản thân. Đặc biệt trong bối cảnh đổi mới toàn diện và căn bản nền giáo dục như hiện nay, dạy học trải nghiệm là vấn đề càng được quan tâm trao đổi, nghiên cứu nhiều hơn để góp phần thực hiện đổi mới hiệu quả nền giáo dục.
Chủ đề hội thảo đã quy tụ hơn 70 bài viết tham luận đã được gửi tới hội thảo, BTC đã chọn ra 59 bài viết có chất lượng để in trong kỷ yếu của nhiều tác giả đến từ các cơ quan khoa học giáo dục trong cả nước
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Anh – Viện trưởng, Viện nghiên cứu phát triển giáo dục và kinh tế EXIM đã trình bày tổng quan các mô hình học tập trải nghiệm, ưu nhược điểm và cách thức vận dụng các mô hình vào trong tổ chức dạy học
ThS. Nguyễn Thị Huyền Thảo - Trường THPT Trần Đại Nghĩa trình bày tham luận "Dạy học trải nghiệm ở môn Lịch sử bậc trung học phổ thông theo chương trình phổ thông mới
Các đại biểu chụp hình lưu niệm tại hội thảo