TS. Lê Hữu Hải phát biểu khai mạc hội thảo

Hội thảo hướng tới các mục tiêu và nội dung chính: Các cách tiếp cận trong việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên; Nhu cầu và tính cấp thiết của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên trong giai đoạn hiện nay; Mục tiêu, nội dung, phương pháp phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên; Kinh nghiệm quốc tế về phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên trong bối cảnh của cách mạng 4.0; Thực trạng và giải pháp phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên các trường đại học nói chung và Trường Đại học Tiền Giang nói riêng.

Sau thời gian triển khai kế hoạch tổ chức hội thảo, Ban tổ chức đã lựa chọn 20 bài tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học, các cán bộ giảng viên trong và ngoài trường có chất lượng tốt đăng kỷ yếu hội thảo. Mỗi bài tham luận đều thể hiện trí tuệ và tâm huyết của tác giả đối với công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhất là đối với việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho sinh viên. Đáp ứng chủ đề và bám sát mục đích của hội thảo, các tham luận đã tập trung phân tích thực trạng về năng lực tư duy phản biện của sinh viên nói chung, của sinh viên Trường Đại học Tiền Giang nói riêng và qua những cách tiếp cận khác nhau, các tham luận đã đề xuất những giải pháp phát triển năng lực này cho sinh viên với mong muốn góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Đại biểu tham dự Hội thảo phát biểu tham luận.

Theo nhóm tác giả Huỳnh Gia Bảo, Lý Huy Hoàng, Trang Quang Vinh: Tư duy phản biện (TDPB) là một kỹ năng tư duy bậc cao có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động dạy và học. Với tính đặc thù của giáo dục chuyên nghiệp là đào tạo và chuẩn bị cho người học bước vào thế giới nghề nghiệp mà họ lựa chọn, việc phát triển TDPB càng trở nên cần thiết và tất yếu nhằm hoàn thiện hơn năng lực học tập và làm việc suốt đời cho sinh viên. Việc phát triển TDPB trong môi trường giáo dục đòi hỏi giảng viên và sinh viên cần có những hiểu biết cơ bản và thấu đáo về năng lực tư duy này. Đồng thời, cần thấy được những vai trò và sự cần thiết của việc phát triển TDPB trong giáo dục đại học. Đặc biệt, để phát triển TDPB cho sinh viên, môi trường giáo dục cần đảm bảo một cách cơ bản những điều kiện cần và đủ.

Việc phát triển TDPB là một trong những mục tiêu quan trọng trong giáo dục tiên tiến và hiện đại trên thế giới. Đặc biệt, năng lực tư duy này rất quan trọng và cần thiết đối với sinh viên do họ cần được chuẩn bị để bước vào môi trường nghề nghiệp mang tính quốc tế sâu rộng. Trong môi trường đó, đòi hỏi bản thân sinh viên cần có TDPB để khẳng định và đánh giá kiến thức của riêng mình và người khác. Bên cạnh đó, TDPB còn giúp người học nhìn nhận vấn đề dưới nhiều góc độ thông qua những lập luận khoa học và có tính thuyết phục cao. Để phát triển TDPB, cả giảng viên và sinh viên đều cần hiểu và vận dụng hiệu quả các chiến lược cơ bản, cần thiết nhằm làm ngòi kích ứng cho tư duy phát triển theo hướng phản biện. Giảng viên và sinh viên là hai chủ thể quan trọng giúp cho quá trình học tập của sinh viên được thực hiện thông qua quá trình lập luận nhằm giải thích và đánh giá về những gì học tiếp nhận được. Để làm được như vậy, tất yếu sinh viên cần giao tiếp và tương tác với người khác trong môi trường giáo dục để giải quyết các vấn đề học tập.

Hội thảo đã thực sự trở thành một diễn đàn khoa học để các nhà quản lý, nhà khoa học, các nghiên cứu viên, các cán bộ giảng viên trao đổi, thảo luận làm rõ các vấn đề mấu chốt về năng lực tư duy phản biện của sinh viên trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 trên cả hai phương diện lý luận và thực tiễn. Qua đó, đề xuất được các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo đại học và phát triển năng lực tư duy phản biện của sinh viên trong giai đoạn hiện nay.