Hội thảo có sự tham dự TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo các trườn bạn và gần 200 đại biểu, nhà khoa học, giảng viên, học viên đến từ nhiều cơ sở giáo dục đại học, học viện thuộc khu vực phía Nam như trường: ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Kinh tế TP.HCM, ĐH Tài chính Marketing, ĐH Bình Dương, ĐH Mở Tp.HCM,… Theo tiêu chí hội thảo, BTC đã tuyển chọn và đăng kỷ yếu 29 bài tham luận xoay quanh hai chủ đề lớn gồm: (1) Đào tạo nguồn nhân lực lĩnh vực kế toán và tài chính trong thời đại kỹ thuật số; (2) Các vấn đề thực tiễn trong lĩnh vực kế toán và tài chính có ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực khối ngành kinh tế trong thời đại 4.0.
Phát biểu tại hội thảo, TS. Ngô Hồng Điệp ghi nhận và đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên đã đóng góp nhiều bài tham luận chất lượng làm sáng tỏ chủ đề hội thảo. Đặc biệt, các kết quả nghiên cứu được công bố trong hội thảo sẽ đóng góp giải pháp đổi mới và nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu của giảng viên ngành kế toán và tài chính trong bối cảnh mới, nâng cao hiệu quả đào tạo khối ngành kinh tế của trường Đại học Thủ Dầu Một nói riêng, và các cơ sở giáo dục trong cả nước nói chung.
Bàn thảo về các nội dung của hội thảo, hơn 50 ý kiến trao đổi về 06 bài tham luận trình bày trực tiếp. Các tác giả đồng nhất cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những đột phá về công nghệ như: dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa... đang làm thay đổi phương thức sản xuất toàn cầu, mang lại hiệu quả đáng kể cho doanh nghiệp như giảm chi phí sản xuất, tối đa hóa lợi nhuận, nhưng đồng thời cũng đang phá vỡ cấu trúc thị trường lao động truyền thống. Từ nhận định trên, các ý kiến trao đổi cũng đã tập trung làm rõ những thách thức mà nguồn nhân lực trong lĩnh vực kế toán và tài chính phải đối mặt trong thời đại cách mạng 4.0; tính bền vững của thời đại kỹ thuật số từ quan điểm phát triển nguồn nhân lực và xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực ngắn và dài hạn trong kỷ nguyên số; thiết kế chương trình đào tạo kế toán và tài chính đáp ứng yêu cầu của thời đại số,...
Để có thể đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, các đại biểu cho rằng, các cơ sở giáo dục cần phải có những bước chuyển mình để nâng cao chất lượng đào tạo, cải tiến chương trình đào tạo nhân lực kế toán và tài chính bắt nhịp cùng với xu hướng đào tạo của thế giới. Để làm được điều này, các cơ sở giáo dục cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp liên quan đến xây dựng mục tiêu đào tạo và chuẩn đầu ra chuẩn quốc gia và quốc tế; thiết kế khung chương trình đào tạo có tính ứng dụng và liên ngành cao; phát triển đội ngũ giảng viên, thay đổi phương pháp giảng dạy; cải thiện và phát triển cơ sở vật chất phục vụ dạy học,…
TS. Ngô Hồng Điệp phát biểu ghi nhận và đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm của các nhà khoa học, cán bộ, giảng viên đã đóng góp nhiều bài tham luận chất lượng làm sáng tỏ chủ đề hội thảo
TS. Trần Thúy Hằng - Phó trưởng khoa Kinh tế phát biểu đề dẫn hội thảo
Từ điểm cầu chính tại ĐH Thủ Dầu Một đã kết nối với hơn 200 đại biểu đến từ nhiều điểm cầu thuộc khu vực phía Nam