Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến và trực tiếp, BTC đã kết nối với gần 100 đại biểu, nhà khoa học, giảng viên, học viên đến từ các cơ sở giáo dục, học viên trong nước. Tại điểm cầu ban điều hành hội thảo tại trường ĐH Thủ Dầu Một có sự tham dự của TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo phòng Khoa học, khoa Khoa học quản lý.

Với chủ đề “Pháp luật Việt Nam về bảo vệ môi trường”, hội thảo đã quy tụ 40 bài tham luận của các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, giảng viên, học viên đến từ nhiều trường đại học và học viện trong nước, như: đến từ các trường đại học, học viên đào tạo chuyên ngành Luật thuộc khu vực phía Nam, như: ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Huế, ĐH Luật TP.HCM, ĐH Ngân Hàng TP.HCM, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM),… Bám sát mục tiêu hội thảo, BTC đã tổ chức phản biện, biên tập 33 bài nghiên cứu có giá trị khoa học cao để đưa vào kỷ yếu hội thảo phục vụ nghiên cứu và giảng dạy tại các cơ sở giáo dục đại học nói chung, trường ĐH Thủ Dầu Một nói riêng.

Tại hội thảo, BTC đã lựa chọn 04 tham luận của các tác giả là những chuyên gia pháp lý, nhà khoa học, giảng viên trình bày trực tiếp thông qua hệ thống trực tuyến. Các tác giả đã đề cập đến lĩnh vực pháp luật về bảo vệ môi trường ở bình diện quốc tế, đánh giá các tác động môi trường qua các luật bảo vệ môi trường, pháp luật về trách nhiệm pháp lý hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay,…

Mở đầu phiên tham luận, PGS.TS Bành Quốc Tuấn đại diện nhóm tác giả trao đổi về chủ đề “Pháp luật các nước trên thế giới về bảo vệ môi trường trong khu vực kinh tế và những vẫn đề gợi mở cho Việt Nam”. Từ thực tiễn nghiên cứu về pháp luật bảo vệ môi trường tại Việt Nam hiện nay, nhóm tác giả đồng nhất cho rằng, đối với Việt Nam, một quốc gia đang tập trung mọi nguồn lực cho xây dựng và phát triển kinh tế thì việc xây dựng các khu kinh tế là cần thiết để tập trung các doanh nghiệp vào một địa bàn nhất định. Tuy nhiên, việc xây dựng các khu kinh tế tập trung cao độ thì vấn đề bảo vệ môi trường sẽ là một thách thức nghiêm trọng cho các mục tiêu phát triển xã hội của Việt Nam. Với kinh nghiệm nghiên cứu về pháp luật bảo vệ môi trường trong khu vực kinh tế của một số quốc gia trên thế giới, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Singapore,… Nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp để hoạt động bảo vệ môi trường trong khu kinh tế tại Việt Nam đạt hiệu quả cần phải đầu tư hợp lý để hoàn thiện ngay từ đầu các khu chức năng bảo vệ môi trường trong khu kinh tế; lựa chọn và tiếp nhận nhà đầu tư vào hoạt động trong khu kinh tế, tránh trường hợp đầu tư ồ ạt, cấp phép cho nhà đầu tư không đủ năng lực; hoàn thiện bộ máy quản lý điều hành đủ năng lực và thẩm quyền, đồng thời bảo đảm tính độc lập,…

Từ điểm cầu trường ĐH Luật Tp.Hồ Chí Minh, tác giả Võ Trung Tín đã có bài tham luận phân tích những nội dung của đánh giá tác động môi trường và sự phát triển qua các Luật bảo vệ môi trường. Trong bài viết, tác giả đã lần lượt nêu các đánh giá tác động môi trường trong các Luật Bảo vệ môi trường năm 1993, năm 2005, năm 2014, năm 2020. Theo tác giả, việc sàng lọc, đưa ra các đối tượng phải đánh giá tác động môi trường cụ thể hơn, kiểm soát chặt chẽ dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao, thực hiện hậu kiểm đối với các dự án có công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường; cắt giảm thủ tục hành chính, giúp giảm chi phí; nội dung của các báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định cụ thể hơn, trong đó chú trọng việc tham vấn ý kiến cộng đồng. Đồng thời, các Luật dần mở rộng và quy định rõ hơn quyền tiếp cận thông tin của cộng đồng chịu ảnh hưởng bởi các đối tượng phải đánh giá tác động môi trường trong quá trình thực hiện đánh giá tác động môi trường – một trong những cách thức quan trong nhằm đảm bảo quyền được sống trong môi trường trong lành.

Với tham luận “Hoàn thiện pháp luật về trách nhiệm pháp lý hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay”, ThS. Trần Thị Bích Nga - Đại học Ngân hàng Tp. HCM đã phân tích thực trạng các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về trách nhiệm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường để từ đó đưa ra một số giải pháp hoàn thiện pháp luật trong thời gian tới. Theo đó, tác giả đã đưa ra một số đánh giá cụ thể như: Hệ thống pháp luật thiếu tính đồng bộ, thống nhất, vẫn còn nhiều kẽ hở của pháp luật để các chủ thể lợi dụng vào đó cố tình gây ra hành vi vi phạm, bên cạnh đó các chế tài áp dụng còn chưa thực sự nghêm dẫn đến pháp luật chưa mang tính răn đe và giáo dục. “Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật để nâng cao hiệu quả áp dụng trách nhiệm pháp lý nói chung và trách nhiệm pháp lý hành chính nói riêng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường” – tác giả nhấn mạnh.

Để hội thảo thực sự hiệu quả và đạt được mục tiêu đề ra, phiên thảo luận mở đã thu hút sự tham gia thảo luận sôi nổi của nhiều đại biểu, nhà khoa học. Các ý kiến đi sâu vào luận giải trách nhiệm pháp lý đối với chủ thể thực hiện hành vi làm ô nhiễm môi trường tại Việt Nam hiện nay; quy định xử phạt hành vi gây ô nhiễm tiếng ồn, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; các giải pháp để hoạt động bảo vệ môi trường trong khu kinh tế tại Việt Nam đạt hiệu quả,…

Ban điều hành hội thảo tại trường ĐH Thủ Dầu Một có sự tham dự của TS. Ngô Hồng Điệp – Phó Hiệu trưởng, lãnh đạo phòng Khoa học, khoa Khoa học quản lý

Đại biểu, nhà khoa học, tác giả tham luận trao đổi, thảo luận thông qua hệ thống trực tuyến