Hội chứng động mạch vành cấp (hay còn gọi là hội chứng mạch vành cấp) là một hội chứng tim mạch nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng người bệnh. Các bác sĩ cấp cứu khi nhận thấy những triệu chứng đau ngực dạng mạch vành sẽ tiến hành chỉ định các kĩ thuật cận lâm sàng: siêu âm, điện tâm đồ và các xét nghiệm thăm dò chức năng tim mạch của Bệnh nhân. Hiệp hội tim mạch Châu Âu (ESC) đã đưa ra phác đồ Troponin 0/1h trong chẩn đoán, phân loại và điều trị bệnh nhân.

Với mục đích cập nhật kiến thức về giá trị lâm sàng của xét nghiệm Troponin T độ nhạy cao và phác đồ 0/1h trong hội chứng vành cấp, ngày 23 tháng 04 năm 2021, Trường Đại học Y Hà Nội và Khoa xét nghiệm - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội phối hợp với công ty Roche tổ chức Hội thảo và Chương trình đào tạo Y khoa liên tục chuyên đề “Giá trị lâm sàng của Troponin và phác đồ 0/1h trong Hội chứng vành cấp”.

Hội thảo có sự có mặt của ba báo cáo viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực Tim mạch và xét nghiệm:  TS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trưởng phòng C4, Viện Tim mạch Quốc Gia; và TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và BS Cynthia Papendick, Bác sỹ bệnh viện Hoàng gia Adelaide, Úc.

Về phía công ty Roche có BS Trương Thu Nguyệt, Trưởng bộ phận Y Khoa, công ty Roche Việt Nam.

Về phía Trường Đại học Y Hà Nội có GS.TS.BS Tạ Thành Văn - Chủ tịch Hội đồng trường đồng thời là chủ trì của buổi hội thảo; đại diện lãnh đạo một số phòng ban, trung tâm trực thuộc Nhà trường, các bác sỹ và kỹ thuật viên của các Bệnh viện, trung tâm Y tế toàn miền Bắc tham dự.

Ảnh: GS.TS.BS Tạ Thành Văn phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo đề cập đến phác đồ 0/1h trong ESC 2020, Troponin T độ nhạy cao trong thực hành lâm sàng và thiết thực nhất đó là việc chia sẻ kinh nghiệm triển khai phác đồ 0/1h Troponin trong sàng lọc, chẩn đoán hội chứng vành cấp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.

TS.BS. Nguyễn Quốc Thái đã trình bày những kinh nghiệm của mình trong việc chẩn đoán, điều trị bệnh nhân vành cấp và cụ thể là bệnh nhân Nhồi máu cơ tim (NMCT) không có ST chênh lên bằng xét nghiệm Troponin độ nhạy cao (hs-TnT). Xét nghiệm đã được công nhận của Hội tim mạch châu Âu ESC năm 2009 và FDA (Hoa Kỳ) năm 2017. Năm 2011, ESC đã đưa ra phác đồ chẩn đoán nhanh bệnh NMCT bằng xét nghiệm Troponin, và phác đồ 0/1h TnT-hs. Phác đồ cTnT-hs 1h đã được chứng minh có giá trị trên quần thể Châu Á với các nghiên cứu được công bố. Gần đây nhất, trong khuyến cáo ESC- NSTE-ACS 2020 phác đồ 0/1h và 0/2h cho chẩn đoán sàng lọc nhanh được khuyến cáo để chẩn đoán và phân loại bệnh nhân, với độ nhạy, độ đặc hiệu, giá trị chẩn đoán âm tính, giá trị chẩn đoán dương tính cao (99-100%).

Ảnh: TS.BS Nguyễn Quốc Thái giới thiệu xét nghiệm Troponin T siêu nhạy

Hội thảo cũng được cập nhật những chia sẻ của Bác sĩ Cynthia Papendick từ Bệnh viện Hoàng gia Adelaide, Úc trong thực hành lâm sàng Troponin T độ nhạy cao (hs-TnT). Troponin T độ nhạy cao được sử dụng với phác đồ nhanh hiện nay rất thiết thực trong theo dõi bệnh nhân tại Bệnh viện. Bên cạnh đó, Bác sỹ Cynthia Papendick cũng chia sẻ vai trò cấp thiết của việc liên tục kiểm tra, phản hồi và đào tạo để cải thiện nguồn nhân lực, các bác sỹ lâm sàng và nhân viên y tế tham gia chẩn đoán, phân loại, điều trị Hội chứng vành cấp.

Thiết thực hơn cả là phần chia sẻ kinh nghiệm triển khai phác đồ 0/1h Troponin trong sàng lọc, chẩn đoán hội chứng vành cấp của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan đã chia sẻ những kinh nghiệm triển khai và thực hiện phác đồ 0/1h hs-cTnT, những ý tưởng, mô hình thiết kế ban đầu, quá trình hình thành đề án cũng như những khó khăn thách thức trong quá trình triển khai xét nghiệm: Khoa xét nghiệm cam kết trả kết quả trong vòng 30 phút, Khoa cấp cứu cam kết theo dõi liên tục xét nghiệm bệnh nhân, mô hình vận chuyển và bảo quản mẫu bệnh phẩm, đào tạo và đánh giá liên tục…... Bước đầu, phác đồ 0/1h hs-cTnT đã được thực hiện với những kết quả bước đầu có gía trị với khoa Cấp cứu và điều trị tích cực.

Ảnh: TS.BS Nguyễn Thị Ngọc Lan chia sẻ kinh nghiệm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Hội thảo đã mang lại rất nhiều kiến thức bổ ích trên lâm sàng cho cán bộ Y tế. Một số câu hỏi được đại biểu đặt vấn đề và đã được các báo cáo viên trả lời giải đáp trong phiên thảo luận.

Buổi đào tạo liên tục kết thúc bằng bài kiểm tra trực tuyến với các cán bộ tham gia. Kết quả đào tạo và chứng chỉ đào tạo liên tục (CME) được cấp cho các cán bộ đã hoàn thành khoá đào tạo.

Một số ảnh khác: