Đây là đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp tỉnh do TS. Nguyễn Ngọc Tiến – Giảng viên chính Khoa Kinh tế và Kế toán làm chủ nhiệm đề tài, phối hợp cùng các thành viên là giảng viên Khoa Kinh tế và Kế toán, công chức, viên chức của Sở Khoa học và Công nghệ Bình Định.

Tại hội thảo, TS. Nguyễn Ngọc Tiến, chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo tổng kết của đề tài gồm ba nội dung chính: (1) Đánh giá thực trạng hiệu quả kinh tế - xã hội của 146 đề tài/dự án được thực hiện trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2006 – 2016 trên các mặt hiệu quả về khoa học, hiệu quả về công nghệ, hiệu quả về kinh tế, hiệu quả về môi trường, hiệu quả về văn hoá – xã hội, hiệu quả về thông tin quản lý và hiệu quả về đào tạo; (2) Phân tích các nhân tố ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội của các đề tài/dự án sau nghiệm thu từ các góc nhìn của cơ quan chủ trì thực hiện đề tài/dự án, cơ quan triển khai kết quả nghiên cứu và đơn vị/cá nhân thụ hưởng kết quả nghiên cứu; (3) Đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu quả ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các đề tài/dự án sau nghiệm thu.

TS. Nguyễn Ngọc Tiến, chủ nhiệm đề tài

ThS. Hoàng Mạnh Hùng đã nhấn mạnh với những tác động mạnh mẽ của cuộc các mạng công nghiệp 4.0 đến các lĩnh vực của nền kinh tế nói chung và lĩnh vực nghiên cứu khoa học và công nghệ nói riêng, các đề tài/dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã có những bước chuyển mình theo hướng tích cực, gắn kết với thực tế, ngày càng có tính ứng dụng cao hơn, mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực hơn. Tuy nhiên, việc đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các đề tài/dự án sau nghiệm thu là việc làm rất khó, vì khó tìm được điểm chung về các tiêu chí đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội của các đề tài/dự án thuộc các lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Và từ đó, cho thấy tầm quan trọng của nghiên cứu này.

ThS. Hoàng Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo

Trong giai đoạn này Trường Đại học Quy Nhơn vinh dự có tham gia thực hiện 05 đề tài, bao gồm: (1) Nghiên cứu phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng tỉnh Bình Định giai đoạn 2016-2030 do PGS.TS. Đỗ Ngọc Mỹ -Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm; (2) Đánh giá thực trạng, đề xuất một số mô hình sinh kế bền vững và giải pháp thực hiện cho vùng đồng bào các dân tộc thiểu số tỉnh Bình Định do PGS.TS. Nguyễn Đình Hiền – Phó Hiệu trưởng nhà trường làm chủ nhiệm; (3) Nghiên cứu xây dựng phần mềm quản lý và khai thác dữ liệu chẩn đoán hình ảnh tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định do TS. Lê Thị Kim Nga – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ làm chủ nhiệm; (4) Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị phân tích một số chỉ tiêu an toàn thực phẩm bằng phương pháp điện di mao quản do TS.Cao Văn Hoàng – Khoa Khoa học tự nhiên và TS. Lê Công Nhường – Sở Khoa học và Công nghệ đồng làm chủ nhiệm; và (5) Xây dựng cơ sở dữ liệu và công cụ phục vụ quản lý hệ thống đê điều tỉnh Bình Định do TS. Ngô Anh Tú – Phó Trưởng khoa Khoa học tự nhiên làm chủ nhiệm. Cả 05 đề tài thực hiện đều được đánh giá đạt mức A (mức có hiệu quả kinh tế - xã hội rất đáng kể) và mức B (mức có hiệu quả kinh tế - xã hội đáng kể).

Các đại biểu tham dự hội thảo đã thảo luận sôi nổi và đánh giá cao về tính cấp thiết cũng như phương pháp triển khai nghiên cứu và kết quả nghiên cứu của đề tài. Đặc biệt, nhóm nghiên cứu đã thành công khi xây dựng được bộ tiêu chí và trọng số đánh giá hiệu quả các đề tài/dự án, và đang phát triển thành phần mềm đánh giá hiệu quả các đề tài/dự án sau nghiệm thu. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng đã đưa ra những nhận xét, góp ý, vô cùng thiết thực để nhóm nghiên cứu có thể hoàn thiện báo cáo tổng kết đề tài đạt kết quả cao nhất.