Tiềm năng phát triển ở Việt Nam

Tại buổi hội thảo về “Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0” vừa qua do Trường ĐH Trà Vinh tổ chức, Ths. Hồ Đại Đức, Giảng viên Khoa Kinh tế, Luật – Trường ĐH Trà Vinh chia sẻ: “Bức tranh toàn cảnh thương mại điện tử (TMĐT) cho thấy Việt Nam đang đứng trước cơ hội rất lớn để phát triển, mua sắm trực tuyến trên các sàn giao dịch điện tử đã trở thành một thói quen đối với người tiêu dùng”.

Ông cũng dẫn ra số liệu, hiện nay Việt Nam có hơn 64 triệu người dùng internet (chiếm 66% dân số), 62 triệu người dùng mạng xã hội (chiếm 64% dân số), 72% dân số sử dụng smartphone, 24.247 website ứng dụng, 940 sàn giao dịch TMĐT đang hoạt động, hạ tầng viễn thông đang nâng cấp từ 3G lên 4G và tương lai là 5G. Như vậy, Việt Nam là một trong những thị trường hấp dẫn đầu tư và cần được đẩy mạnh khai thác.

Để tạo đà cho sự phát triển, ngoài những tiềm năng sẵn có ngoài xã hội thì cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các bên liên quan cũng đang được nhà nước chú trọng, liên quan đến vấn đề này Ông Nguyễn Văn Chuẩn, Phó Giám đốc Sở Thông tin & truyền thông Trà Vinh cho biết: Hoạt động kinh tế và công nghệ giờ đây không phải là hai mảng tách biệt, mà nó là sự kết hợp để tạo nên một bước đột phá mới trong nền kinh tế. Chính phủ đã phát triển mảng chính quyền điện tử để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả, đồng thời rút ngắn thời gian thực hiện các dịch vụ công như: cung cấp dịch vụ công trực tuyến, thực hiện các giao dịch giữa doanh nghiệp và nhà nước qua internet, nộp hồ sơ, lệ phí, thực hiện các kiến nghị…

Cầu nối đến người tiêu dùng

Chủ thể không thể thiếu và đóng vai trò nồng cốt trong hầu hết các hoạt động TMĐT chính là doanh nghiệp và các nhà đầu tư. Họ là những đối tượng đang tối ưu hóa mô hình kinh doanh và tập trung phát triển kỹ năng mới nhằm sử dụng hiệu quả chuỗi cung ứng thông minh cũng như đề xuất các giải pháp để quản lý tài sản trí tuệ khi thương mại điện tử phát triển nhanh trong thời kỳ mới.

Là một trong những doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực bưu cục, ViettelPost đang ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh thông qua sàn giao dịch mang tên “Vỏ sò” theo định hướng kinh doanh đặc sản trái cây. Ông Lương Thanh Long, Giám đốc ViettelPost Trà Vinh nêu lên thực trạng về TMĐT không chỉ mang tới những lợi ích cho nền kinh tế nước nhà nói chung và các doanh nghiệp, người tiêu dùng nói riêng mà nó còn giúp cắt giảm tối đa chi phí khi tiến hành giao dịch. “Tóm lại, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu muốn phát triển thì không tổ chức nào có thể đứng ngoài cuộc”, ông chia sẻ.

Gương khởi nghiệp trẻ Nguyễn Hoàng Thắng, trong buổi giao lưu với sinh viên khối ngành Kinh tế, Trường ĐH Trà Vinh về lĩnh vực TMĐT cũng không ngần ngại chia sẻ về các hình thức kết nối giữa người cung cấp sản phẩm và người tiêu dùng, không nhất thiết phải là doanh nghiệp thì mới được tham gia vào hoạt động TMĐT, mà chính các bạn sinh viên cũng có thể làm được bằng việc trở thành các nhà trung gian cung cấp các sản phẩm, lấy thông tin từ nhà cung ứng, đăng tải nội dung liên quan đến khách hàng tiềm năng chào bán sản phẩm, quản lý nhà bán hàng, chạy chương trình quảng cáo hay thực hiện các chiến dịch bán hàng trên không gian mạng nhưng phải đảm bảo tính hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Nguồn nhân lực – yếu tố quyết định

Đặc thù của ngành TMĐT là cần sự linh hoạt và tính sáng tạo trong hầu hết các hoạt động, vì vậy nguồn nhân lực trẻ và được đào tạo bài bản là một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển ổn định và lâu dài của ngành. Theo khảo sát của VietnamWorks, trong những năm qua số công nhân làm việc trong ngành Công nghệ thông tin đã tăng trung bình 47% mỗi năm, trong khi số nhân sự trong ngành này liên quan đến lĩnh vực TMĐT chỉ tăng trung bình ở mức 8%. Theo các chuyên gia ước tính, nếu cứ theo đà tăng trưởng như vậy thì đến năm 2020 Việt Nam sẽ thiếu hơn 500.000 nhân lực Công nghệ thông tin liên quan đến lĩnh vực TMĐT.

Nắm bắt được tình hình đó, Trường ĐH Trà Vinh đã chủ động tuyển sinh đào tạo sinh viên ngành thương mại điện tử từ năm 2017 nhằm đón đầu xu thế và cung cấp nguồn nhân lực có chất lượng cho xã hội.

TS Nguyễn Minh Hoà, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh cho biết: “Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục, Trường ĐH Trà Vinh chủ động mở thêm nhiều ngành mới để đào tạo kịp thời nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu của tỉnh Trà Vinh. Để chương trình đào tạo phù hợp với xu hướng hội nhập quốc tế và nhu cầu thực tế của thị trường lao động, trường ĐH Trà Vinh chủ động mở rộng hợp tác với nhiều doanh nghiệp nhằm tạo cơ hội cho sinh viên có thể trải nghiệm cơ hội việc làm và tích lũy kiến thức thực tiễn đáp ứng tốt hơn cho các cơ hội việc làm trong tương lai. Đây chính là cơ sở quan trọng thúc đẩy sự phối hợp giữa nhà trường với doanh nghiệp trong việc đào tạo và nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp”.

Đồng quan điểm với TS Nguyễn Minh Hoà, PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Trưởng Khoa Kinh tế, Luật nói: “Mở ngành Thương mại điện tử là một bước đi đúng đắn ở thời điểm hiện tại, sinh viên tốt nghiệp ngành này sẽ bổ sung vào lực lượng lao động xã hội kiến thức chuyên môn, có kinh nghiệm thực tế tại doanh nghiệp và hơn hết là đảm bảo nguồn nhân lực thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực TMĐT ở tỉnh Trà Vinh nói riêng và cả nước nói chung”. Ông cũng cho biết thêm, nhà trường vừa ký kết thoả thuận hợp tác với 2 đơn vị là: Trung tâm Công nghệ thông tin và Truyền thông Tp. Cần Thơ và Chi nhánh ViettePost Trà Vinh nhằm đáp ứng nhu cầu của người học và tăng cường sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong việc đào tạo sinh viên ngành Thương mại Điện tử.