Sáng ngày 18 tháng 6 năm 2020, tại phòng họp lầu 3 Trung tâm Thông tin- Thư viện, Trường Đại học Bạc Liêu đã diễn ra buổi Toạ đàm khoa học “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu trong bối cảnh mới”.
Đây là chương trình do Trường Đại học Bạc Liêu (ĐHBL) phối hợp cùng với Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh (ĐH KHXH&NV) đồng tổ chức.
Quang cảnh buổi tọa đàm
Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV; PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu Trưởng trường Đại học Bạc Liêu; ThS Bùi Thanh Toàn – Phó Giám đốc Sở VHTTTT&DL tỉnh Bạc Liêu; ThS Trịnh Công Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bạc Liêu; các nhà khoa học, các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên đến từ Trường ĐHKHXH&NV, ĐHQG-HCM, đại diện các ban ngành/đoàn thể các cấp có liên quan đến hoạt động du lịch; và một số nông hộ/doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
Đại biểu tham dự tọa đàm: Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu trong bối cảnh mới
Bạc Liêu xác định nông nghiệp và du lịch là 2 trong 5 trụ cột kinh tế của tỉnh nhà. Bên cạnh đó, đây là địa phương có đến 9 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận – nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Qua đó cho thấy, Bạc Liêu là tỉnh có rất nhiều tiềm năng và ưu thế để có thể phát triển du lịch, trong đó, nổi bật chính là tiềm năng phát triển mô hình du lịch nông nghiệp.
PGS.TS Từ Diệp Công Thành – Hiệu trưởng trường ĐHBL phát biểu khai mạc
Tổng hợp các ý kiến, nhận định của các chuyên gia, các báo cáo viên, đại diện của Sở Văn hóa,Thông tin, Thể thao và Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Công ty Cổ phần Du lịch Hồ Nam Bạc Liêu, Phòng Văn hóa các huyện,… đã cung cấp cho buổi tọa đàm cái nhìn toàn diện về thực trạng, tiềm năng, cơ hội và cả những khó khăn, thách thức trong việc phát triển du lịch nông nghiệp tại Bạc Liêu cũng như vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH & NV báo cáo đề dẫn “Nâng cấp chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp ở Đồng bằng sông Cửu Long gắn với xây dựng nông thôn mới”
Đánh giá thực trạng phát triển nông nghiệp, du lịch và liên kết phát triển du lịch nông nghiệp tại địa phương giai đoạn 2012 – 2020, cho thấy Bạc Liêu là khu vực có nhiều thế mạnh về tiềm năng phát triển. Hiện tại Bạc Liêu có nhiều mô hình có thể phát triển thành các sản phẩm du lịch nông nghiệp như: Du lịch tham quan Vườn nhãn Bạc Liêu; Du lịch tham quan gắn với biển, dải rừng ngập mặn và sinh thái nông ngư nghiệp, du lịch vườn, du lịch kết hợp với tham quan điện gió và Du lịch tham quan hệ thống các vườn chim, vườn cò. Ngoài ra còn nhiều sản phẩm nông nghiệp tại các địa phương có tính tiềm năng để tạo nên chuỗi sản phẩm du lịch nông nghiệp, tuy nhiên vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
ThS Bùi Thanh Toàn – Phó Giám đốc Sở VHTTTT&DL tỉnh Bạc Liêu báo cáo tham luận “Phát triển chuỗi du lịch nông nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu trong bối cảnh mới”
ThS Trịnh Công Vinh – Chủ tịch Hiệp hội du lịch tỉnh Bạc Liêu phát biểu tham luận “Du lịch nông nghiệp Bạc Liêu – Tiềm năng, thực trạng và giải pháp phát triển”
Các đại biểu tham dự tọa đàm đã trao đổi, thảo luận không chỉ những phương pháp luận về phát triển du lịch nói chung, du lịch nông nghiệp nói riêng mà còn là những giải pháp cụ thể cho việc phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại địa phương trong giai đoạn 2021-2030. Một số giải pháp tiêu biểu như: Xác định giá trị cốt lõi của địa phương; Sử dụng những ưu thế có sẵn để khai thác thúc đẩy phát triển các tiềm lực chưa được chú ý; Tăng cường những ngành công nghiệp phụ trợ để phát huy những thương hiệu đã có; Thúc đẩy bằng đề tài nghiên cứu khoa học để tạo ra các mô hình thí điểm; Ứng dụng công nghệ thông tin vào khai thác, phát triển du lịch…
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan – Hiệu trưởng trường ĐH KHXH&NV đánh giá: Du lịch nông nghiệp tại Bạc Liêu mới chỉ dừng lại ở ý tưởng khai thác chứ chưa thật sự có những chuỗi giá trị du lịch tương xứng với tiềm năng phát triển. Từ đó mong rằng các bên liên quan sẽ có sự phối hợp để đưa ra những giải pháp cụ thể để phát huy được hết những tiềm năng hiện có. Nhân đó, PGS.TS Ngô Thị Phương Lan cũng đã khẳng định vai trò cầu nối, tham mưu và thúc đẩy của trường ĐHBL để du lịch nông nghiệp của Tỉnh không chỉ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và mà còn phát triển theo hướng bền vững.
Việc phối hợp tổ chức tọa đàm khoa học “Phát triển chuỗi giá trị du lịch nông nghiệp tại tỉnh Bạc Liêu trong bối cảnh mới” cho thấy Trường ĐHBL đóng vai trò là cầu nối khoa học uy tín và chất lượng, không chỉ phối hợp với trường KHXH&NV mà còn liên kết toàn diện với ĐHQG -HCM với các Sở, Ban/Ngành của Tỉnh; Bên cạnh đó trường ĐHBL giữ vai trò lan tỏa tri thức đến cộng đồng, là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh nhà cũng như khu vực Bán đảo Cà Mau. Trường ĐHBL hứa hẹn sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học và ứng dụng trên nhiều lĩnh vực, trong đó du lịch chính là một trong những chủ điểm quan trọng.
Một số hình ảnh tại buổi tọa đàm