Đến dự hội thảo, có ông Nguyễn Ngọc Hè – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố; PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Trương Hoàng Phương – Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ; Đại tá Nguyễn Văn Nam - Trưởng phòng Hóa học - Bộ Tham mưu, Quân khu 9; ông Võ Văn Kha - Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP. Cần Thơ; ông Phạm Hoàng Dũng - Trưởng phòng Phát triển Công nghệ và ĐMST, Sở Khoa học và Công nghệ TP. Cần Thơ; ông Nguyễn Hào Quang - Trưởng phòng Ứng phó sự cố, Trung tâm Hỗ trợ kỹ thuật An toàn bức xạ và Ứng phó sự cố, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân,...
Hội thảo xoay quanh những nội dung: Triển khai Kế hoạch Tổ chức diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2024; Bài học kinh nghiệm từ sự cố hạt nhân Fukushima; Phim tư liệu về các sự cố hạt nhân trên thế giới; Quy trình xử lý, ứng phó trong sự cố bức xạ và hạt nhân; Triển khai kịch bản diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2024; Tổng quan, kinh nghiệm công tác chuẩn bị và các phương án ứng phó sự cố an toàn bức xạ trong vận hành máy xạ trong suất liều cao, tại Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ; Trao đổi, thảo luận về kịch bản diễn tập ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân năm 2024.
PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại Hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Ngọc Hè – Thành ủy viên, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, TP. Cần Thơ luôn xác định khoa học và công nghệ là một trong những động lực tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và cộng đồng doanh nghiệp nói riêng, đẩy mạnh triển khai ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ vào nghành y tế, trong sản xuất và đời sống luôn được lãnh đạo thành phố quan tâm. Việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân cũng như việc sử dụng các thiết bị bức xạ và nguồn phóng xạ ứng dụng trong các lĩnh vực ở Việt Nam nói chung và TP. Cần Thơ nói riêng đã phát triển nhanh chóng, mang lại nhiều lợi ích to lớn cho xã hội. Trên địa bàn thành phố hiện có 21 cơ sở có sử dụng nguồn phóng xạ và các thiết bị phát phát tia X dùng trong công nghiệp phục vụ hoạt động chiếu xạ, có 03 cơ sở y tế có sử dụng nguồn phóng xạ trong chẩn đoán và điều trị và 77 cơ sở sử dụng 211 thiết bị X-quang tiến hành gần 1,2 triệu lượt ca chụp phục vụ chẩn đoán trong y tế hàng năm. Số lượt vận chuyển nguồn phóng xạ qua địa bàn thành phố hàng năm tăng trung bình từ 5-8 lượt vận chuyển nguồn, các lượt vận chuyển nguồn phóng xạ đi qua địa bàn thành phố Cần Thơ, có lịch trình di chuyển qua các khu dân cư, khu vực đông người tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi có sự cố xảy ra trên địa bàn. Trong quá trình quản lý, sử dụng nguồn phóng xạ có thể xảy ra những tình huống ngoài ý muốn gây nên mất an toàn bức xạ và an ninh; đặc biệt đối với một số nguồn phóng xạ hở, nguy cơ gây hại đến sức khỏe con người và môi trường rất cao,...
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Tuấn Khải - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân – Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, sự phát triển nhanh của ứng dụng NLNT ở Việt Nam mang lại nhiều lợi ích cho người dân, doanh nghiệp trong các lĩnh vực then chốt như y tế (trong xạ trị, y học hạt nhân, sản xuất thuốc phóng xạ), công nghiệp (chiếu xạ, NDT, nhà máy théo, xi măng, xây dựng, thăm dò khai thác dầu khí), nông nghiệp, TMNT,... Theo số liệu của Cục ATBXHN, hàng năm số lượng giấy phép cấp cho các công việc bức xạ, các loại hình thiết bị bức xạ, nguồn phóng xạ; giấy đăng ký cho các hoạt động dịch vụ hỗ trợ ứng dụng NLNT tăng trung bình từ 12 – 15%. Điều đó cho thấy nhu cầu ngày càng cao đối với ứng dụng bức xạ và kỹ thuật hạt nhân. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích và hiệu quả mang lại thì ứng dụng bức xạ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro, sự cố về mất an toàn, an ninh có thể gây ra tác động tiêu cực đến con người, môi trường và xã hội như sự cố mất nguồn phóng xạ; trong vận chuyển nguồn, dược chất phóng xạ; chiếu xạ quá liều, nhiễm bẩn phóng xạ tại các bệnh viện có ứng dụng y học hạt nhân sử dụng thuốc phóng xạ (131-I); buôn bán vận chuyển trái phép vật liệu hạt nhân và sự cố hạt nhân xuyên biên giới... Vì vậy, việc nâng cao nhận thức, năng lực về phòng ngừa, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó sự cố bức xạ, hạt nhân cho cơ sở bức xạ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp là nhiệm vụ rất quan trọng, thường xuyên.
Hội thảo được tổ chức nhằm đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức và cá nhân tham gia ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân ở cấp cơ sở và cấp thành phố; Triển khai Kế hoạch ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân trên địa bàn thành phố một cách hiệu quả. Đồng thời, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức hiệp đồng và điều hành trong hoạt động ứng phó sự cố bức xạ và hạt nhân của các thành viên trong Ban Chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của thành phố. Ngoài ra, hội thảo cũng tạo điều kiện để Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ tiếp cận với tình huống sự cố phóng xạ có thể xảy ra, và thực hành công tác ứng phó cấp cơ sở theo Kế hoạch được phê duyệt.