Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp với Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hôm nay tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy Khoa học công nghệ tạo động lực phát triển chế biến nông sản trong bối cảnh mới".
Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng 65 năm thành lập Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, nhằm nâng cao năng lực đào tạo, nghiên cứu và tăng cường hợp tác liên ngành trong lĩnh vực Chế biến nông sản.
Thực tế, ngành chế biến Nông sản của Việt Nam hiện nay chưa hẳn là một ngành phát triển do hệ thống công nghiệp cho chế biến còn lạc hậu. Do vậy, năng suất sau thu hoạch không cao, gia tăng giá trị nông sản bị hạn chế.
Phát biểu tại buổi tọa đàm, PGS. Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khẳng định: “Hình thành chuỗi gia tăng năng suất, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, phát triển bền vững, đồng thời tăng cường chuyển đổi số là quyết định tất yếu nâng tầm ngành công nghiệp và chế biến nông sản tại Việt Nam.”
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt mục tiêu "đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới" về công nghiệp chế biến vào năm 2030. Để làm được điều đó, Việt Nam cần chú trọng không chỉ về số lượng mà còn về chất lượng chế biến nông sản.
TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi tọa đàm: “Việc làm hôm nay là tiền đề quan trọng để đóng góp cho chính sách của Bộ, nhất là trong bối cảnh mới.” Ông bày tỏ mong muốn lắng nghe ý kiến nhiều chiều của các nhà khoa học để có thể chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ và thúc đẩy giá trị gia tăng trong lĩnh vực này.
TS. Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát biểu tại buổi tọa đàm ngày 22/4. Ảnh: Duy Thành
Nông nghiệp Việt Nam qua 35 năm đổi mới, giờ cần sẵn sàng ứng phó trước thách thức của thị trường, biến đổi khí hậu và nội tại của quản lý nhà nước. Việt Nam có khí hậu nhiệt đới, tính chất mùa vụ ngắn, quy mô và tư liệu sản xuất còn hạn chế. Vì vậy, để đáp ứng kỳ vọng của trung ương, cần có khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế số và thâ chí cả xã hội số.
Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản nhấn mạnh cần thúc đẩy phát triển chế biến và bảo quản nông sản bằng công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm. Đây sẽ là những trọng trách lớn đặt lên đôi vai trung tâm nghiên cứu như Đại học Bách khoa Hà Nội. Bên cạnh đó, Nhà trường có trách nhiệm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho đất nước.
Được biết, Việt Nam là cường quốc nông nghiệp, hiện nay đã đạt được doanh thu hơn 41 tỉ đô. Dự tính trong năm nay, Việt Nam sẽ cán mốc 44 tỉ. Để thực hiện hóa con số đó cần chú trọng tìm ra giải pháp cho 3 câu hỏi về dây chuyền, chi phí và ứng dụng chuyển giao từ các cơ quan quản lý và trung tâm nghiên cứu.
TS. Nguyễn Quốc Toản mong muốn sự phối hợp giữa Cục Chế biến và phát triển thị trường Nông sản và Đại học Bách khoa Hà Nội nói chung, Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm nói riêng sẽ có khởi sắc, tạo ra những sản phẩm đóng góp cho chính sách nhà nước; hai bên cùng trao đổi định kỳ thường xuyên về nhiều chủ đề khác nhau để có thể giao lưu, học hỏi, vì mục đích chung đưa Việt Nam đổi mới và phát triển, “đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới” về công nghiệp chế biến vào năm 2030.
Cũng trong buổi tọa đàm, PGS. Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm trình bày báo cáo “Nghiên cứu và phát triển sản phẩm trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt Nam” và cùng thảo luận bàn tròn với các trung tâm nghiên cứu, doanh nghiệp khác.