CƠ SỞ VẬT CHẤT HIỆN ĐẠI VÌ NHU CẦU SINH VIÊN

- Trường Đại học Dân lập Hải Phòng thành lập cuối năm 1997. Trong bối cảnh nhiều trường ngoài công lập lúc bấy giờ phải đi thuê mướn phòng học để tổ chức giảng dạy. Ban lãnh đạo nhà trường nhận thấy chừng nào trường chưa có được cơ sở vật chất riêng thì “danh tiếng” của một trường Đại học vẫn là xa vời. Chính vì vậy ngay khi tìm được đất xây dựng trường, nhà trường đã bắt đầu xây dựng khu giảng đường, khu lớp học 3 tầng, khu thực hành thí nghiệm, khu thư viện… Tổng số lên đến gần 100 phòng nhằm phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu. 5 năm sau, ngày 4/01/2002 nhà trường cắt băng khánh thành Khu liên hợp thể dục thể thao – Khách sạn sinh viên (bao gồm nhà tập đa chức năng, bể bơi thông minh, sân vận động, nhà ăn sinh viên, khu nội trú Khách sạn sinh viên) với tổng số tiền đầu tư gần 100 tỉ đồng. Hiện nay nhà trường đang tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng khu cơ sở II trên diện tích 12 ha đất tại Minh Tân, Kiến Thụy, Hải Phòng với vốn đầu tư dự kiến khoảng 800 tỉ đồng.

 - “Xây dựng ưu tiên phục vụ sinh viên” là định hướng khi xây dựng cơ sở vật chất của nhà trường. Các phòng học cho sinh viên được trang bị máy chiếu Projectors, Camera, điều hòa nhiệt độ, máy tính được nối mạng nội bộ, mạng Internet không dây… Thư viện nhà trường là hệ thống thư viện điện tử, được trang bị 36 máy tính tốc độ cao với trên 7970 đầu sách, 82.000 tài liệu điện tử Elib, 85.000 tài liệu điện tử Proquest.

- Không chỉ vậy, hoạt động quản lý đào tạo của nhà trường cũng được xây dựng một cách khoa học. Toàn bộ các công tác như đào tạo, học tập theo tín chỉ, tuyển sinh, giảng dạy, điểm thi, tổ chức thi học kỳ, học phí và các khoản thu chi khác… đều được quản lý nghiêm túc, phân quyền chặt chẽ bằng phần mềm khoa học chuyên dụng.

GIẢNG VIÊN CÓ NGHIỆP VỤ ĐẠT CHUẨN QUỐC TẾ

- Không chỉ đầu tư đúng hướng vào cơ sở vậy chất, lãnh đạo Trường Đại học Dân lập Hải Phòng còn chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ chuyên môn và có năng lực thực tế. Nhà trường đã tận dụng tối đa trình độ chuyên môn của những người đang công tác, nghiên cứu tại các trường khác, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Đồng thời nhanh chóng tuyển dụng và phát triển đội ngũ cán bộ giảng viên cơ hữu của trường.

- Để tuyển dụng được đội ngũ cán bộ giảng viên có trình độ và gắn bó với trường, nhà trường đã tổ chức tuyển dụng công khai, minh bạch, có quy trình rõ ràng. Từ 1500 lượt người dự tuyển, trong gần 15 năm qua nhà trường đã tuyển chọn được 338 CB, GV, NV cơ hữu. Ngay sau khi được tuyển dụng các giảng viên trẻ được nhà trường tổ chức bồi dưỡng phương pháp sư phạm đặc thù, trình độ chuyên môn và nhiều kĩ năng khác. Tính đến nay, số giảng viên cơ hữu làm việc tại trường là 225 người trong đó có 7 Giáo sư, 8 Phó Giáo sư, 3 Tiến sĩ khoa học, 28 Tiến sĩ và 136 Thạc sĩ, 21 nghiên cứu sinh và 25 người đang học cao học đảm nhận 80% khối lượng giảng dạy.Để giảng viên tăng cường sự hiểu biết và dạy học có chất lượng cao nhà trường đã mời nhiều chuyên gia là giáo sư trong nước, giảng viên nước ngoài, đặc biệt là các học giả Fulbright đến giảng về giảng dạy. Không những vậy, để học hỏi kinh nghiệm dạy và học tốt nhà trường còn phối hợp với nhiều đơn vị để tổ chức các hội thảo cấp quốc gia như: Hội thảo Quốc gia lần thứ 8 “Một số vấn đề chọn lọc của Công nghệ thông tin và Truyền thông”, Hội thảo “Đổi mới phương pháp giảng dạy đại học”, Hội thảo “Đổi mới phương pháp dạy - học trong đào tạo theo học chế tín chỉ và xây dựng hệ thống thông tin quản lý đào tạo” do Mạng lưới các trường đại học Việt Nam, Chương trình Fulbright do chính phủ Mỹ cùng tổ chức, tài trợ.

(Nguồn: https://hpu.edu.vn/blogs/sinh-vien-cuu-sinh-vien/hoi-sinh-vien-viet-nam-truong-dai-hoc-quan-ly-va-cong-nghe-hai-phong-k)