Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (VKU) có chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học (gồm đại học, thạc sỹ và tiến sỹ) các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, truyền thông và ứng dụng; hoạt động khoa học, công nghệ và phục vụ cộng đồng.
Tên gọi của Trường đã thể hiện rõ lĩnh vực đào tạo và quan hệ hợp tác quốc tế hữu nghị giữa hai chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc trong chiến lược đầu tư và phát triển.
Quy mô sinh viên
Năm học 2020-2021 Trường có khoảng 4.000 sinh viên, trong đó 2.700 sinh viên đại học được điều chuyển từ Khoa Công nghệ thông tin và Truyền thông – Đại học Đà Nẵng. Định hướng trong thời gian tới quy mô phát triển khoảng 10.000 sinh vên đại học và sau đại học.
Cơ sở vật chất
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn sử dụng toàn bộ cơ sở vật chất của các đơn vị hợp thành với diện tích khoảng 23,5 ha. Cơ sở vật chất của Trường đã được đầu tư đồng bộ, bài bản với khoảng 1.000 tỷ đồng - gồm nhiều khu giảng đường, các khu hiệu bộ, Ký túc xá, hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống phòng nghiên cứu và thí nghiệm hiện đại.
Chức năng
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt – Hàn, ĐHĐN là cơ sở giáo dục đại học, có chức năng đào tạo các trình độ của giáo dục đại học, hoạt động khoa học và công nghệ, phục vụ cộng đồng.
Nhiệm vụ, quyền hạn
Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt Hàn là đơn vị sự nghiệp công lập, hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đại học. Trường có nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể như sau:
a. Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển của Trường phù hợp với chiến lược phát triển chung của Đại học Đà Nẵng và theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, khu vực và cả nước.
b. Triển khai hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế, bảo đảm chất lượng giáo dục đại học.
c. Phát triển các chương trình đào tạo theo mục tiêu xác định; bảo đảm sự liên thông giữa các chương trình và trình độ đào tạo.
d. Tổ chức bộ máy; tuyển dụng, quản lý, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức, người lao động theo sự phân cấp của ĐHĐN.
đ. Quản lý người học; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của giảng viên, viên chức, nhân viên, cán bộ quản lý và người học; dành kinh phí để thực hiện chính sách xã hội đối với đối tượng được hưởng chính sách xã hội, đối tượng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; bảo đảm môi trường sư phạm cho hoạt động giáo dục.
e. Tự đánh giá chất lượng đào tạo và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục.
g. Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực; xây dựng và tăng cường cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị.
h. Hợp tác với các tổ chức kinh tế, giáo dục, văn hóa, thể dục, thể thao, y tế, nghiên cứu khoa học trong nước và nước ngoài.
i. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo và chịu sự kiểm tra, thanh tra của Đại học Đà Nẵng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương có liên quan theo quy định.
k. Các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.