ĐÀO TẠO

Khoa Y – Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện đổi mới chương trình đào tạo Bác sĩ y khoa dựa trên chuẩn năng lực – là xu thế của giáo dục y khoa hiện nay trên thế giới.

Quá trình đổi mới giáo dục y khoa tại Khoa Y Đại học Y Dược TPHCM được khởi động từ năm 2010, chuẩn bị xây dựng chương trình từ năm 2013 với sự hỗ trợ kỹ thuật của Trường Y Harvard (Hoa Kỳ), Đại học Geneva (Thụy Sĩ), Đại học Texas Tech tại El Paso (TTUHSC EP), chính thức thực hiện từ năm 2016 và thế hệ bác sĩ y khoa đầu tiên được giáo dục theo chương trình đổi mới dựa trên năng lực đã tốt nghiệp trong năm 2022. Hành trình đổi mới đầy thách thức, khó khăn nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng, sáng tạo, với tất cả tâm huyết đối với sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế, nhiều thế hệ thầy cô Đại học Y Dược TPHCM đã nỗ lực phi thường để hoàn thành chu kỳ đầu tiên của chương trình đổi mới và tiếp tục cải tiến chất lượng để chương trình đào tạo ngày càng hoàn thiện hơn.

Chương trình nhằm đào tạo các BS y khoa có y đức, chuyên nghiệp, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp cơ bản về y học để xác định, đề xuất và tham gia giải quyết các vấn đề sức khoẻ của cá nhân và cộng đồng, có khả năng nghiên cứu khoa học và tự học nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân.

Chương trình đào tạo BS Y khoa đã được kiểm định và đạt chuẩn chất lượng của Mạng lưới các trường đại học khối ASEAN (AUN-QA) vào năm 2021.

Về đào tạo sau đại học, Khoa Y có 124 chương trình đào tạo Sau đại học với nhiều bậc học khác nhau, gồm 10 chương trình đào tạo Tiến sĩ, 13 chương trình Thạc sĩ, 41 chương trình CKII, 35 CKI và 25 chương trình đào tạo BS nội trú. Từ năm 2020, Khoa Y đã triển khai xây dựng chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú dựa trên chuẩn năng lực theo ACGME (Mỹ) và chính thức áp dụng vào năm 2022.

Hoạt động Đào tạo liên tục của Khoa Y cũng sôi nổi, phong phú với nhiều chương trình chuyên sâu, đặc biệt, chương trình Đào tạo liên tục Y học liên ngành đã góp phần trang bị cho các học viên khả năng giải quyết vấn đề sức khỏe toàn diện ở góc độ phối hợp liên chuyên ngành.

NGHIÊN CỨU KHOA HỌC

Các định hướng nghiên cứu ở Khoa Y bao gồm nghiên cứu lâm sàng; nghiên cứu ứng dụng các kỹ thuật sinh học phân tử, miễn dịch học và di truyền học trong chẩn đoán và điều trị; phát triển phẫu thuật nội soi, vi phẫu thuật, thay thế tạng và ghép mô-cơ quan; phòng chống bệnh ung thư, tim mạch, đái tháo đường, lao phổi, HIV/AIDS và các bệnh cộng đồng; và nghiên cứu trong giáo dục y học.

Số lượng đề tài nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, với 6 đề tài cấp Nhà nước, 64 đề tài cấp Bộ, 2 đề tài của Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED), 12 đề tài cấp thành phố và hơn 1.500 đề tài cấp cơ sở trong những năm gần đây. Nhiều đề tài đã được nghiệm thu, báo cáo tại các hội nghị trong nước và quốc tế.

Số công bố quốc tế của các giảng viên Khoa Y tăng dần về số lượng và chất lượng. Một số công trình được công bố trên các tạp chí Y khoa hàng đầu thế giới như The New England Journal of Medicine, The Lancet, …

(Nguồn: https://med.ump.edu.vn/gioi-thieu/lich-su-phat-trien)