Mục tiêu và vai trò của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Huế

+ Mục tiêu: Các ngành đào tạo ở bậc đại học của Trường cung cấp cho người học những kiến thức sâu rộng về ngôn ngữ, văn hoá - văn học nước ngoài; rèn luyện và phát huy năng lực ngôn ngữ đạt chuẩn C1 Châu Âu. Sau khi ra trường, người học đạt được trình độ nghiệp vụ tương đối vững vàng như: giảng dạy ngoại ngữ  ở các bậc học, làm công tác biên – phiên dịch trong các lĩnh vực kinh tế - văn hoá – xã hội, bước đầu hình thành năng lực nghiên cứu khoa học về ngôn ngữ, văn học hoặc văn hoá nước ngoài, cũng như có khả năng hành nghề trong một số hoạt động dịch vụ khác như hướng dẫn du lịch, bảo tàng, ngoại giao, thương mại ...

+ Vai trò: Là một trong  những đơn vị đào tạo có uy tín dẫn đầu về hoàn thành và vượt mức chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo hàng năm với nhiều sinh viên liên tục đạt được giải nhất, nhì quốc gia và khu vực trong các cuộc thi Olympic tiếng Nga, hùng biện tiếng Nhật, tiếng Trung, tiếng Pháp... ,Trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận là Trung tâm ngoại ngữ khu vực thực hiện đề án Quốc gia “Dạy và học Ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020" với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, tổ chức thi và cấp các chứng chỉ năng lực ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu.

Tầm nhìn, giá trị cơ bản và mục tiêu chiến lược

Tầm nhìn đến năm 2030

Đến năm 2030 Trường ĐHNN trở thành một trong những trường đại học có định hướng kết hợp thực hành và nghiên cứu về lĩnh vực ngôn ngữ và văn hóa có uy tín trong cả nước, đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng quốc gia và khu vực, có năng lực cạnh tranh và hội nhập với khu vực và thế giới.

Hệ thống giá trị cơ bản

Trường Đại học Ngoại ngữ cam kết duy trì và phát huy các giá trị cốt lõi sau đây:

- Tôn trọng và khuyến khích tính sáng tạo;

- Đổi mới, chất lượng và hiệu quả trong các lĩnh vực hoạt động.

- Đề cao tinh thần trách nhiệm, chuẩn mực và tận tụy trong dạy - học và nghiên cứu khoa học.

- Phát huy tính dân chủ, đoàn kết, hợp tác trong công việc; trung thực, khoan dung, nhân ái trong ứng xử và lối sống.

Mục tiêu chiến lược

Xây dựng Trường ĐHNN trở thành trung tâm đào tạo, NCKH về ngôn ngữ và văn hóa có uy tín trong cả nước, đảm bảo cho người học hình thành đạo đức, phẩm chất chính trị tốt, phát triển năng lực chuyên môn tương xứng với ngành nghề được đào tạo, có sức khỏe và trách nhiệm nghề nghiệp thích nghi với từng môi trường làm việc, có năng lực sáng tạo, cạnh tranh và hội nhập với khu vực và thế giới.

Tổ chức bộ máy

Trường hiện có: 9 khoa (Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Tiếng Nga, Tiếng Trung, Ngôn ngữ &Văn hóa Nhật Bản, Ngôn &Văn hóa Hàn Quốc, Việt Nam học, Quốc tế học). 7 phòng chức năng (Tổ chức- Hành chính, Kế hoạch - Tài chính, Đào tạo, Công tác học sinh - sinh viên, Khoa học Công nghệ - Hợp tác quốc tế, Khảo thí và Đảm bảo chất lượng Giáo dục, Cở sở vật chất); 01 tổ trực thuộc (Thanh tra Pháp chế - Thi đua khen thưởng); 01 Trung tâm ( Trung tâm Thông tin – Thư viên)

Các ngành đào tạo

* Đào tạo 11 ngành trình độ cử nhân:

1. Sư phạm tiếng Anh

2. Ngôn ngữ Anh

3. Sư phạm tiếng Pháp

4. Ngôn ngữ Pháp

5. Ngôn ngữ Nga

6. Ngôn ngữ Trung Quốc

7. Sư phạm tiếng Trung

8. Ngôn ngữ  Nhật

9. Ngôn ngữ  Hàn Quốc

10. Việt Nam học

11. Quốc tế học

Ngoài việc đào tạo các ngành chính quy, Trường còn đảm nhiệm việc giảng dạy, tổ chức thi đánh giá và cấp chứng chỉ ngoại ngữ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam cho sinh viên các trường thành viên, phân hiệu và khoa trực thuộc Đại học Huế cũng như các tổ chức cá nhân có nhu cầu.

* Đào tạo 4  ngành trình độ thạc sĩ:

1. Lý luận & Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh

2. Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu

3. Lý luận & Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Pháp

4. Ngôn ngữ Pháp

Thời gian đào tạo: 2 năm

* Đào tạo 1 ngành trình độ tiến sĩ:

Lý luận & Phương pháp dạy học bộ môn tiếng Anh

Thời gian đào tạo:

-   3 năm đối với người có bằng thạc sĩ. 

-   4 năm đối với người có bằng đại học.

Hợp tác quốc tế

Định hướng phát triển của Trường chú trọng vào công tác phát triển hợp tác quốc tế trên các lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu, qua đó làm đòn bẩy để phát triển công tác đào tạo và các mảng công tác khác. Trên cơ sở phát huy những mối quan hệ truyền thống từ Hoa Kỳ, Úc, Niu Di-lân, Châu Âu, Nhà trường còn tích cực tìm hướng hợp tác mới với các đối tác chiến lược và tiềm năng ở châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan... trên các lĩnh vực đào tạo đại học, sau đại học, bồi dưỡng giáo viên, nghiên cứu khoa học, xây dựng chương trình và biên soạn giáo trình. Bằng nhiều nguồn khác nhau, Trường đã và đang tiếp nhận nhiều giảng viên người nước ngoài từ Anh, Mỹ, Úc, Pháp, Nhật, Hàn Quốc... đến giảng dạy và nghiên cứu tại Trường; cũng như tiếp nhận sinh viên từ các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... đến học tập và thực tập; làm cho bầu không khí học thuật của Trường mang đậm tính quốc tế..