Học viện Báo chí và Tuyên truyền (thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) được thành lập ngày 16-01-1962 theo Nghị quyết số 36 NQ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa III, trên cơ sở hợp nhất 3 trường. Trường Nguyễn Ái Quốc II, Trường Tuyên huấn và Trường Đại học Nhân dân, Ngày 16 tháng 01 hàng năm là ngày kỷ niệm thành lập Trường.
Từ khi thành lập đến nay, trường lần lượt có các tên:
- Trường Tuyên giáo Trung ương(1962- 1969)
- Trường Tuyên huấn Trung ương(1970- 1983)
- Trường Tuyên huấn Trung ương I (1984 -2/1990) trên cơ sở hợp nhất Trường Tuyên huấn Trung ương với Trường Nguyễn Ái Quốc V
- Trường Đại học Tuyên giáo(1990 - 3/1993)
- Phân viện Báo chí và Tuyên truyền(4/1993 đến 6/2005)
- Học viện Báo chí và Tuyên truyền(6/2005 đến nay)
Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã trải qua chặng đường lịch sử vẻ vang hơn 55 năm xây dựng và trưởng thành.
Trong hơn 55 năm ấy, tuy mang những tên gọi khác nhau cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng. Song Học viện luôn là mái trường của Đảng. Từ năm 1990 đến nay vừa là trường đại học trong hệ thống giáo dục quốc dân vừa là bộ phận hữu cơ cấu thành Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh.
Học viện Báo chí và Tuyên truyền là một trường của Đảng với nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên lý luận chính trị, cán bộ làm công tác tuyên giáo, công tác xây dựng Đảng; đào tạo đại học, sau đại học chuyên ngành báo chí, tuyên truyền và một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khác; là cơ sở nghiên cứu khoa học về lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ chí Minh, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư tưởng - văn hóa, báo chí - truyền thông nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và góp phần vào việc hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Hiện tại Học viện đang tổ chức đào tạo 42 chương trình trình độ đại học (trong đó có 36 chương trình đào tạo đại trà, 05 chương trình chất lượng cao, 01 chương trình liên kết quốc tế); 20 chương trình đào tạo thạc sĩ và 06 chương trình đào tạo nghiên cứu sinh. Hàng năm Học viện tuyển sinh gần 1800 sinh viên chính quy tập trung và gần 2000 sinh viên chính quy không tập trung. Năm 2018, quy mô đào tạo các hệ của Nhà trường: Đại học chính quy tập trung: 5.913 sinh viên; đại học văn bằng 2: 267 sinh viên; đại học vừa làm vừa học: 3.056 sinh viên; cao học: 978 học viên và 90 nghiên cứu sinh.
Tổ chức bộ máy của Nhà trường có 29 đơn vị trực thuộc Ban Giám đốc gồm: 19 đơn vị giảng dạy, nghiên cứu ( 17 Khoa, 1 Trung tâm Thông tin khoa học, 01 Tạp chí) và 10 đơn vị chức năng (6 Ban, 1 Văn phòng, 2 Phòng và 1 Trung tâm)
Hiện nay, Học viện có 413 cán bộ, viên chức, người lao động, trong đó 242 cán bộ là giảng viên. Đội ngũ cán bộ giảng dạy có 01 giáo sư, 40 phó giáo sư, 82 tiến sĩ, 226 thạc sĩ, 42 cử nhân, 22 khác. Ngoài ra, Nhà trường cũng mời nhiều giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên gia đầu ngành về lý luận chính trị và báo chí, truyền thông tham gia giảng dạy, hướng dẫn viết luận án và luận văn, tham gia Hội đồng chấm luận án tiến sĩ, luận văn cao học.
Hoạt động chuyên môn của Nhà trường so với thời kỳ đầu đã có bước phát triển mạnh mẽ. Các chuyên ngành được mở rộng và đào tạo liên tục theo niên khoá. Công tác nghiên cứu khoa học ngày càng có vai trò to lớn trong hoạt động chung, góp phần bổ sung và đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy. Các trang bị, thiết bị kỹ thuật hiện đại được đầu tư nhằm phục vụ kịp thời cho các chuyên ngành đào tạo đặc thù. Nhà trường mở rộng các hoạt động hợp tác với các đối tác nước ngoài, bắt đầu tham gia các dự án Quốc tế. Hệ thống chương trình, giáo trình thường xuyên được đổi mới, cập nhật. Chất lượng đào tạo nâng cao, đáp ứng kịp thời nhu cầu cán bộ của Đảng và Nhà nuớc.
Trong 55 năm qua, Nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng được 36.568 cán bộ, trong đó:
- Hệ bồi dưỡng : 18.750 học viên là cán bộ Tuyên huấn Báo chí, Quản lý báo chí, Xuất bản, 400 học viên Lào, Campuchia và 200 học viên cho Miền Nam trong thời kỳ kháng chiến.
- Hệ đào tạo tập trung: 13.934 sinh viên bậc đại học, 146 học viên cao học và nghiên cứu sinh, 65 cán bộ Lào
- Hệ tại chức cho các nghành và địa phương: 3.738 người
Đội ngũ học viên, sinh viên Nhà trường đào tạo ra đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ công tác mà các ngành, địa phương giao cho. Nhiều học viên đã trưởng thành, đang nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, trong các cơ quan Tư tưởng Văn hoá, cơ quan Báo chí, Xuất bản…Hiện có 6 đồng chí đương nhiệm là Uỷ viên Trung ương Đảng, 1 đồng chí Uỷ viên Ban bí thư Trung ương.