Học viện Kỹ thuật Quân sự được thành lập theo Quyết định số 146/CP ngày 08/8/1966 của Hội đồng Chính phủ với tên gọi ban đầu là “Phân hiệu II Đại học Bách khoa”. Ngày 28/10/1966, tại Hội trường lớn Đại học Bách khoa, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) và Bộ Quốc phòng long trọng tổ chức Lễ thành lập Phân hiệu II Đại học Bách khoa, đồng thời khai giảng khoá đào tạo đầu tiên. Từ đó, ngày 28/10/1966 được chọn là Ngày truyền thống của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Ngày 13/6/1968, Thủ tướng Chính phủ quyết định đổi tên “Phân hiệu II Đại học Bách khoa” thành trường Đại học Kỹ thuật Quân sự và ngày 15/12/1981, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập Học viện Kỹ thuật Quân sự trên cơ sở trường Đại học Kỹ thuật Quân sự. Ngày 06/6/1991, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định cho phép Học viện Kỹ thuật Quân sự mang thêm tên gọi Đại học kỹ thuật Lê Quý Đôn. Ngày 31/1/2008, Học viện Kỹ thuật Quân sự được Chính phủ quyết định bổ sung vào danh sách các trường đại học trọng điểm quốc gia.
Sứ mạng
Sứ mạng của Học viện Kỹ thuật Quân sự là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu phát triển, sản xuất chế thử, chuyển giao công nghệ tiên tiến và hội nhập quốc tế, góp phần đắc lực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển ngành khoa học kỹ thuật quân sự Việt Nam.
Mục tiêu
Đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật, chỉ huy quản lý kỹ thuật chất lượng cao có trình độ đại học, sau đại học cho Quân đội và Đất nước; có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt, tuyệt đối trung thành với Đảng Cộng sản Việt Nam, với Tổ quốc, với Nhân dân; có trình độ kiến thức nền vững chắc, kiến thức chuyên ngành chuyên sâu; có tác phong chính quy và có năng lực toàn diện trong chỉ huy, quản lý, tổ chức, điều hành và huấn luyện bộ đội; có năng lực ngoại ngữ, công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu hoạt động chuyên môn và hội nhập quốc tế; có sức khỏe tốt; có khả năng tự học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ và thích nghi với mọi hoàn cảnh; có khả năng phát triển thành chuyên gia đầu ngành hoặc đảm nhiệm được các chức vụ cao hơn, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Triết lý giáo dục: Bản lĩnh - Trí tuệ - Chuyên nghiệp - Hợp tác
Phương châm giáo dục - đào tạo
Cơ bản, hệ thống, toàn diện, chuyên sâu.
Nhiệm vụ chính
- Đào tạo cán bộ kỹ thuật và quản lý kỹ thuật có trình độ đại học, sau đại học
+ Đào tạo Kỹ sư quân sự: 45 chuyên ngành
+ Đào tạo Kỹ sư dân sự: 21 chuyên ngành
+ Đào tạo Thạc sĩ: 19 ngành
+ Đào tạo Tiến sĩ: 13 ngành
- Nghiên cứu khoa học, tư vấn khoa học kỹ thuật, triển khai dịch vụ khoa học công nghệ,… phục vụ quốc phòng - an ninh và kinh tế - xã hội.
Phần thưởng cao quý
- Danh hiệu Đơn vị Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ đổi mới;
- 01 Huân chương Hồ Chí Minh;
- 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất;
- 01 Huân chương Độc lập hạng Nhì;
- 01 Huân chương Độc lập hạng Ba;
- 02 Huân chương Quân công hạng Nhất;
- 01 Huân chương Quân công hạng Nhì;
- 01 Huân chương Lao động hạng Ba;
- 03 Huân chương Chiến công: hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba