Ngày 08 tháng 8 năm 2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1562/QĐ-TTg về việc thành lập Học viện Dân tộc, trực thuộc Ủy ban Dân tộc, trên cơ sở tổ chức lại Viện Dân tộc và Trường Cán bộ Dân tộc. Học viện Dân tộc là cơ sở nghiên cứu khoa học, giáo dục công lập trực thuộc Ủy ban Dân tộc, hoạt động theo Điều lệ trường đại học; là đơn vị dự toán cấp II, có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng và có trụ sở chính tại thành phố Hà Nội. Tên giao dịch tiếng Anh của Học viện Dân tộc là Vietnam Academy for Ethnic Minorities.
- Chức năng của Học viện Dân tộc là Nghiên cứu chiến lược, chính sách dân tộc; Đào tạo trình độ đại học (bao gồm cả bồi dưỡng hệ dự bị đại học), sau đại học góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số và đội ngũ cán bộ cho vùng dân tộc và miền núi; Bồi dưỡng kiến thức công tác dân tộc cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, người có uy tín vùng dân tộc và miền núi.
- Các nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của Học viện được thực hiện theo quy định của Điều 28, Điều 32 của Luật Giáo dục đại học; Điều 5 của Điều lệ trường đại học; Quyết định số 407/QĐ-UBDT ngày 11/7/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.
- Cơ cấu tổ chức của Học viện gồm: 05 khoa chuyên môn; 07 phòng chức năng; 08 tổ chức nghiên cứu phát triển và đơn vị sự nghiệp trực thuộc gồm có 02 Viện nghiên cứu, 04 Trung tâm và 01 Tạp chí. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Học viện do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc quyết định thành lập; là đơn vị dự toán cấp III, có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Hội đồng Học viện Dân tộc gồm 19 thành viên được thành lập theo Quyết định số 175/QĐ-UBDT ngày 12/4/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc. Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Dân tộc gồm 25 thành viên được thành lập theo Quyết định số 82/QĐ-HVDT ngày 13/4/2017 của Giám đốc Học viện Dân tộc.
- Về đội ngũ: Đội ngũ công chức, viên chức, người lao động cơ hữu của Học viện Dân tộc hiện nay có 108 người, trong đó: Có 62 người trình độ Thạc sĩ trở lên (57,4%), trong đó có 03 PGS.TS (2,8%), 16 tiến sĩ (14,8%), 43 thạc sĩ (39,8%); Có 04 giảng viên cao cấp và tương đương (3,7%), 14 giảng viên chính và tương đương (13%); Có 8 thành phần dân tộc, trong đó, dân tộc Kinh 84 người (77,8%), dân tộc Tày 10 người (9,3%), dân tộc Nùng 3 người (2,8%), dân tộc Thái 3 người (2,8%), dân tộc Mường 4 người (3,7%), dân tộc Cơ Tu 1 người (0,9%), dân tộc Cao Lan 1 người (0,9%), dân tộc Mông 1 người (0,9%), dân tộc Sán Dìu 1 người (0,9%); Có 45 nam (41,7%), 63 nữ (58,3%). Trong đó có 16 người dưới 30 tuổi (14,8%), 58 người từ 30-39 tuổi (53,7%), 21 người từ 40-49 tuổi (19,4%), 13 người từ 50-59 tuổi (12,1%).
Ngoài ra, Học viện Dân tộc còn có đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các nhà quản lý, nhà khoa học am hiểu lĩnh vực công tác dân tộc.
Sứ mệnh
Học viện Dân tộc là trung tâm khoa học, giáo dục công lập, nghiên cứu về các dân tộc, chiến lược, chính sách dân tộc; đào tạo trình độ đại học, sau đại học góp phần phát triển nguồn nhân lực trình độ cao; bồi dưỡng kiến thức dân tộc cho cán bộ, công chức, viên chức trong nước và quốc tế
Tầm nhìn
Đến năm 2030, Học viện Dân tộc là cơ sở giáo dục đại học trọng điểm của Việt Nam về nghiên cứu chiến lược, chính sách dân tộc, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác dân tộc trong nước và quốc tế.
Giá trị cốt lõi và khẩu hiệu hành động
Sáng tạo, chất lượng, chuyên nghiệp, phát triển bền vững.