Từ khi tiến hành công cuộc Đổi mới vào cuối những năm 80 và trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đang tiếp diễn, Việt Nam đứng trước một thách thức có tính lịch sử: vừa chống nguy cơ tụt hậu, vừa tăng tốc phát triển để trong một khoảng thời gian không dài có thể rút ngắn khoảng cách và bắt kịp trình độ phát triển của đa số các nước trong khu vực, tạo thế bình đẳng trong quá trình hội nhập, toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ trên khắp thế giới. Để đạt được điều đó thì vấn đề nâng cao dân trí, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực có tầm quan trọng sống còn. Do đó cần mở rộng cơ hội học tập, tạo điều kiện rộng rãi cho mọi người dân, đặc biệt là giới trẻ và những người trong độ tuổi lao động được tiếp cận các cơ hội giáo dục - đào tạo tuỳ theo nhu cầu và khả năng của mỗi người.

Đứng trước các thách thức: cần phát triển nền kinh tế tri thức; cần giải quyết nhu cầu học tập ngày càng tăng của người dân, đặc biệt là sự cá nhân hoá của nhu cầu học tập; cần theo kịp sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghệ. Để giải quyết các thách thức trên Lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã lựa chọn: Xây dựng xã hội học tập hỗ trợ người dân học tập suốt đời bằng cách nghiên cứu lý luận, thử nghiệm và phát triển hệ thống giáo dục mở; thực hiện thử nghiệm tự chủ giáo dục Đại học, đưa nhanh ứng dụng công nghệ vào giáo dục Đại học phục vụ người dân học mọi lúc, mọi nơi với mọi trình độ.

Trong bối cảnh đó ngày 03 tháng 11 năm 1993 Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định số 535/TTg thành lập Viện Đại học Mở Hà Nội trên cơ sở Viện Đào tạo Mở rộng 1 (một đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo), với chức năng và nhiệm vụ:

- Là một trường đại học công lập hoạt động trong hệ thống các trường đại học do Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp quản lý;

- Là cơ sở đào tạo đại học và nghiên cứu các loại hình đào tạo mở, đào tạo từ xa, đào tạo tại chỗ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, góp phần tăng tiềm lực cán bộ khoa học - kỹ thuật cho đất nước.

Năm 2018, Viện Đại học Mở Hà Nội vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì, Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ và Giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục trường đại học. Đây là sự ghi nhận của cấp trên đối với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tập thể sự phạm Nhà trường trong những năm vừa qua, đồng thời khẳng định uy tín và chất lượng đào tạo của Viện Đại học Mở Hà Nội.

Viện Đại học Mở Hà Nội được đổi tên thành Trường Đại học Mở Hà Nội theo Quyết định số 960/QĐ-TTg ngày 06 tháng 8 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh sách các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo.

SỨ MẠNG

Mở cơ hội học tập cho mọi người với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng với nhiều loại hình, chú trọng giáo dục từ xa, đa ngành, đa trình độ, phục vụ sự nghiệp xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.

TRIẾT LÝ ĐÀO TẠO

Triết lý đào tạo của Nhà trường gắn với 5 chữ Mở: Mở cơ hội - Mở trái tim - Mở trí tuệ - Mở tầm nhìn - Mở tương lai.

Mở cơ hội: tạo cơ hội cho mọi người được bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.

Mở trái tim: lan tỏa giá trị nhân văn đến cộng đồng.

Mở trí tuệ: kiến tạo tri thức góp phần phát triển toàn diện con người.

Mở tầm nhìn: phát triển tư duy sáng tạo đáp ứng xu thế thời đại.

Mở tương lai: chủ động và hội nhập tạo dựng tương lai.

TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2035

Trường Đại học Mở Hà Nội trở thành đại học hàng đầu về giáo dục, đào tạo mở, từ xa trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam; đạt tiêu chuẩn chất lượng khu vực và tiệm cận thế giới; là nòng cốt trong xây dựng xã hội học tập và học tập suốt đời.

GIÁ TRỊ CỐT LÕI

1. Tự chủ toàn diện: Là truyền thống của Trường từ trước đến nay và sẽ phát huy mạnh mẽ trong tương lai.

2. Công nghệ hiện đại: Là đơn vị tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong công tác đào tạo và quản trị nhà trường.

3. Dịch vụ hoàn hảo: Là đặc trưng về thái độ của mọi thành viên và chất lượng các dịch vụ Trường cung cấp cho xã hội.

4. Kết nối rộng mở: Là phương thức hoạt động để phát huy hiệu quả của Trường với mô hình giáo dục mở, linh hoạt.