Những thành viên sáng lập ban đầu là những người tâm huyết với giáo dục với quê hương Quảng Nam, cũng như để kỷ niệm những dấu ấn của nhà yêu nước Phan Châu Trinh. Đó là bà Nguyễn Thị Bình – nguyên Phó chủ tịch nước, bà là cháu ngoại ruột cụ Phan Châu Trinh. Nhà văn, nhà nghiên cứu Văn hóa Nguyên Ngọc – nguyên Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giáo sư Hoàng Tụy - nguyên Viện trưởng Viện Toán học Việt Nam.
Trong giai đoạn đầu, trường có các ngành học như: Khoa học xã hội và nhân văn, Hướng dẫn Du lịch, Quản trị kinh doanh, Tài chính kế toán, Ngôn ngữ học... Đa phần sinh viên là thí sinh tại Quảng Nam và miền Trung Tây Nguyên.
Mục tiêu của trường là xây dựng một trường đại học chất lượng, danh tiếng, trong đó ngành Y khoa được đề cao, đạt những tiêu chuẩn kiểm định chất lượng của Bộ Giáo dục Đào tạo và Quốc tế. Nâng cao khả năng thực hành trong các chương trình đào tạo trên cơ sở gắn kết nghiên cứu các kỹ thuật công nghệ mới vào học và làm việc, gắn kết đào tạo với thực tiễn.
Ngày 12.08.2017, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng tiếp nhận trường Đại học Phan Châu Trinh. Trường được Bộ GDĐT và BYT chấp thuận cho phép đào tạo hệ chính quy ngành Y khoa trình độ đại học ngày 28.12.2017, điều mà Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng hằng mơ ước từ lâu. Mục tiêu của ông là nhằm cải thiện vị trí và hình ảnh của người thầy thuốc tương lai trong lòng người bệnh và cộng đồng xã hội. Từ đây, Đại học Phan Châu Trinh mở ra một kỷ nguyên mới cho sự phát triển của trường.
Sứ mệnh và tầm nhìn
Đào tạo ra một thế hệ bác sĩ, nhân viên y tế chuẩn mực, vừa giỏi kiến thức và kỹ năng lâm sàng, vừa có năng lực nghiên cứu khoa học, có đạo đức nghề nghiệp, có kỹ năng lãnh đạo, là hạt nhân y tế trong tương lai.