1. Quá trình thành lập và phát triển

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, Học viện Chính trị khu vực III ngày nay được thành lập từ năm 1949, tiền thân là những lớp bồi dưỡng cán bộ để phục vụ sự nghiệp kháng chiến, do đồng chí Phạm Văn Đồng, đồng chí Nguyễn Duy Trinh, đồng chí Nguyễn Lương Bằng trực tiếp phụ trách.

Từ sau năm 1954, do yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ cho phong trào cách mạng miền Nam, Khu ủy khu V quyết định thành lập Trường Đảng Liên khu V, do đ/c Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy Khu V kiêm nhiệm. 

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất Tổ quốc, Ban Bí thư Trung ương Đảng quyết định thành lập ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên

3 trường: Trường Nguyễn Ái Quốc IV, Trường Tuyên huấn Trung ương II và Trường Nguyễn Ái Quốc XI ở Buôn Ma Thuột.

Đến năm 1983, các Trường Đảng trên địa bàn miền Trung - Tây Nguyên hợp nhất thành Trường Nguyễn Ái Quốc III trực thuộc Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Năm 1990, Trường được đổi tên thành Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực III (theo Quyết định số 103/QĐ-TW ngày 01/03/1990 của Ban Bí thư Trung ương Đảng).

Theo Quyết định số 61/QĐ-TW ngày 10/3/1993 của Bộ Chính trị “Về việc chuyển Học viện Nguyễn Ái Quốc thành Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và chuyển các Trường Nguyễn Ái Quốc khu vực thành các Phân viện trực thuộc Học viện”, từ đó, Trường mang tên Phân viện Đà Nẵng thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Năm 2005, Phân viện Đà Nẵng đổi tên thành Học viện Chính trị khu vực III thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (theo Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 30/7/2005 và Quyết định số 149/QĐ-TW ngày 02/8/2005 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng).

Năm 2008, Học viện được đổi tên thành Học viện Chính trị - Hành chính khu vực III (theo Quyết định số 41/QĐ-HVCT-HCQG ngày 02/01/2008 của Giám đốc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh).

Năm 2014, Học viện được đổi tên thành Học viện Chính trị khu vực III thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho đến nay (theo Quyết định số 546 /QĐ-HVCTQG ngày 18/02/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh…)

2. Cơ cấu tổ chức, bộ máy:

Hiện nay, Học viện có 13 khoa và 12 đơn vị chức năng trực thuộc Ban Giám đốc là Văn phòng Học viện, Văn phòng Đảng – Đoàn thể, các Ban, Phòng, Tạp chí, Trung tâm Thông tin khoa học

Tổng số công chức, viên chức là 211 người, trong đó có 12 phó giáo sư, tiến sĩ;   34 tiến sĩ, 69 thạc sĩ, 50 cử nhân

Các tổ chức, đoàn thể: Đảng bộ Học viện Chính trị khu vực III  (có 24 chi bộ, với 169 đảng viên) thuộc Đảng bộ Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Tổ chức Công đoàn (gồm 22 tổ công đoàn và 01 Công đoàn bộ phận; Ban Nữ công, với 211 đoàn viên), Hội Cựu Chiến binh, Đoàn Thanh niên (gồm 02 chi đoàn, với 46 đoàn viên) thuộc Đoàn Thanh niên Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 3. Chức năng, nhiệm vụ:

Theo Quyết định số 2954/QĐ-HVCTQG ngày 27/6/2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực III là đơn vị trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Học viện Chính trị khu vực III là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên; trung tâm nghiên cứu khoa học lý luận Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các khoa học chính trị, khoa học lãnh đạo, quản lý ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

 4. Cơ sở vật chất:

Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy và học tập: có 2 hội trường lớn với tổng số 800 chỗ ngồi; 16 giảng đường, với khoảng 1200 chỗ ngồi; 4 phòng họp và hội thảo có tổng sức chứa 180 chỗ ngồi; 4 nhà ở học viên, gồm 226 phòng, với 678 giường.

Thư viện của Học viện có 3 phòng đọc, với 100 chỗ ngồi; 4,5 vạn bản sách, 145 đầu báo và tạp chí khoa học, hơn 2000 trang tài liệu điện tử, trên 2 vạn biểu ghi thư mục những bài trích báo, tạp chí, đảm bảo yêu cầu tham khảo phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và học tập của một trung tâm đào tạo cán bộ và nghiên cứu khoa học ở miền Trung và Tây Nguyên.

Cơ sở vật chất, kỹ thuật, mạng thông tin, máy tính tương đối hiện đại, đảm bảo cho làm việc, học tập, cho cán bộ và học viên. Diện tích nhà làm việc cho cán bộ, công chức gần 30.000m2, có đầy đủ hệ thống: nhà ăn, căng tin, trạm y tế, nhà để xe, sân cầu lông, bóng đá, bóng chuyền, nhà bóng bàn,...