Năm 1975, cả nước tưng bừng đón nhận sự kiện lịch sử trọng đại: Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng là năm công trình Trường Công Nhân Xây Dựng số 1 – một trong ba trường được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại nhất Việt Nam, do Liên Xô cũ viện trợ đã chính thức được khởi công xây dựng tại Thị trấn Xuân Hòa, huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc (Nay là phường Xuân Hòa, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).
Ngày 27/7/1976, Bộ Xây Dựng ra quyết định số 682/BXD-TC thành lập trường Công nhân Xây dựng số 1 theo tiêu chuẩn trường dạy nghề của Liên Xô với lưu lượng đào tạo 850 học sinh/năm (425 học sinh/khóa), đào tạo công nhân kỹ thuật chuyên ngành Cơ giới, cơ khí, xây dựng.
Sau gần 4 năm miệt mài hăng say lao động trên công trường của hàng trăm cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 241 (Quân khu Việt Bắc) – Đơn vị tiền thân của công ty xây dựng Xuân Hòa, công trình trường Công nhân Xây dựng số 1 đã hoàn thành. Nhân dịp kỷ niệm 61 năm cách mạng tháng mười Nga, ngày 7/11/1978 Lễ ký kết bàn giao công trình Trường Công nhân Xây dựng số 1 được tổ chức trọng thể trước sự chứng kiến của đại diện Bộ Xây Dựng, đoàn chuyên gia Liên Xô (cũ) và chính quyền địa phương.
Giai đoạn năm 1977 – 1988, sau một thời gian chuẩn bị, tổ chức của nhà trường đã ổn định, công tác dịch thuật giáo trình, nội dung chương trình đào tạo, xây dựng phòng học lý thuyết, xưởng thực hành theo hướng chuyên môn hóa của Liên Xô đã hoàn tất. Nhà trường tập trung vào công tác đào tạo, các chuyên gia trở về vị trí người thầy. Tháng 3/1978, khóa I chính thức được khai giảng, mở ra trang đầu tiên cho lịch sử đào tạo, phát triển của nhà trường. Đến năm 1980, Bộ Xây Dựng quyết định sáp nhập trường Công nhân Xây dựng số 1 với trường Giáo viên dạy nghề, lấy tên là Trường Công nhân Cơ khí Xây dựng Việt Xô số 1. Giai đoạn năm 1977 – 1988 là giai đoạn quản lý đào tạo theo cơ chế hành chính bao cấp, mọi hoạt động nhà trường đều tuân theo kế hoạch nhà nước. Máy móc trang thiết bị phù hợp với yêu cầu, học sinh tốt nghiệp được phân công công tác kịp thời, chủ yếu tập trung phục vụ các công trình xây dựng lớn: Thủy điện sông Đà, Trị An, Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Yaly và hợp tác lao động. Năng lực đào tạo của nhà trường ngày càng lớn mạnh, lưu lượng học sinh ngày càng tăng cao.
Giai đoạn 1988 – 1992 là giai đoạn đầu của sự chuyển đổi cơ chế nhà nước từ Hành chính nhà nước sang cơ chế thị trường theo định hướng XHCN xóa bỏ chế độ tem phiếu. Lương thực, thực phẩm trở nên khan hiếm, đắt đỏ, đồng lương của viên chức không đủ chi trả cho cuộc sống, dịch bệnh kéo dài… Kinh phí dành cho đào tạo hạn hẹp, thiết bị công trình bắt đầu hư hỏng, xuống cấp. Học sinh tốt nghiệp khó kiếm việc làm. Trong giai đoạn khó khăn, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đề ra quyết sách hợp lý: Thành lập Ban tăng gia. Thu nhập từ các trang trại đã giải quyết 1 phần khó khăn, góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống của CBNV trong nhà trường. Tuyển sinh đào tạo duy trì ở mức rất khiêm tốn: hệ chính quy từ 300 học sinh/khóa, hệ ngắn hạn và nâng cao bình quân 100 học sinh/khóa. Đến năm 1983-1985 lưu lượng học sinh tăng gấp đôi, nhà trường điều chỉnh phương thức đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội.
Giai đoạn 1992 – 2002, là giai đoạn vàng son về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trong nhà trường: xây mới nhà điều hành,sân nhà học chính, hội trường, nhà học phương pháp, phòng học chuyên môn hóa… Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đào tạo giáo viên đáp ứng nhu cầu giảng dạy theo phương pháp chuyên môn mới, đào tạo chuyên gia về các lĩnh vực biên soạn giáo trình, tài liệu hướng dẫn, thiết kế phần mềm máy tính… Nhờ vào sự nắm bắt nhanh nhạy xu thế hội nhập phát triển, nhu cầu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp nên lưu lượng học sinh dài hạn tăng cao 1000 học sinh/khóa, học sinh hệ sơ cấp nghề là 600 học sinh/khóa. Nhà trường cũng đẩy mạnh công tác liên kết đào tạo với các doanh nghiệp, công ty; triển khai dự án GDKT&DN, đưa giáo viên đi học tập tại các nước tiên tiến.
Giai đoạn 2002 đến nay, ngày 26/12/2006, trường được Nhà nước quyết định thành lập trường cao đẳng nghề Cơ giới Cơ khí xây dựng số 1 với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có kỹ thuật với 3 cấp độ: Cao đẳng nghề, Trung cấp nghề, sơ cấp nghề. Quy mô tuyển sinh hàng năm từ 1800 – 2000 học sinh. Năm 2010, trường đổi tên thành trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1. Bằng sự nhanh nhạy, quyết đoán, nắm bắt xu hướng phát triển của xã hội, định hướng phát triển đúng đắn theo đường lối đổi mới của Đảng, Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường qua các thời kỳ đã lãnh đạo, chỉ đạo, động viên tinh thần cán bộ công nhân viên chức nhà trường vượt qua mọi khó khăn, xây dựng tập thể nhà trường ngày càng vững mạnh. Trong quá trình hội nhập, cơ chế có nhiều thay đổi, học sinh sinh viên nhà trường cũng đã nắm bắt được nhiều cơ hội du học tại các nước, tạo mối liên kết lâu dài với các nước trong khu vực và trên thế giới.
Trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 – 40 năm xây dựng và phát triển, là đơn vị uy tín đào tạo, rèn luyện học sinh, sinh viên dự thi tay nghề các cấp. Trong 3 năm trở lại đây, nhà trường liên tiếp có học sinh sinh viên đạt thành tích cao trong các kì thi quốc gia và trong khu vực: năm 2016, nhà trường có 2 học sinh đạt giải nhất kỳ thi tay nghề quốc gia, đại diện cho Việt Nam dự thi kỳ thi tay nghề Asean đạt chứng chỉ nghề xuất sắc, năm 2018, nhà trường cũng có 1 học sinh đạt huy chương vàng quốc gia nghề hàn, 1 huy chương đồng nghề lắp đặt điện và 2 giải khuyến khích kỳ thi tay nghề quốc gia.
40 năm vững bước và trưởng thành, nhà trường vinh dự nhận được những danh hiệu cao quý do chính phủ, Tổng cục dạy nghề, Bộ Xây dựng,… trao tặng, khẳng định thêm uy tín và thương hiệu của trường cao đẳng nghề Việt Xô số 1 trong hệ thống giáo dục đào tạo của Bộ Xây dựng nói riêng và đất nước nói chung.