Lịch sử hình thành

Năm 1954, miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, chấm dứt sự đô hộ gần một thế kỷ của Chủ nghĩa thực dân, bắt đầu vào thời kỳ khôi phục lại nền kinh tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên nửa phần đất nước. Trước đòi hỏi cấp bách về đội ngũ cán bộ kỹ thuật phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đảng và Nhà nước ta đã có chủ trương thành lập một số trường Đại học và Trung cấp kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ đó. Ngày 25-6-1956, Bộ trưởng Lê Thanh Nghị đã ký Quyết định số 184/BCN thành lập trường kỹ thuật trung cấp II và đặt địa điểm của Trường tại khu Thượng Đình- Hà Nội. Ngay từ những năm đầu thành lập, được sự giúp đỡ của các chuyên gia Liên Xô, Trung Quốc, nhà trường đã biên dịch, soạn thảo được nhiều tài liệu và xây dựng được đội ngũ giáo viên cho các ngành học: Hoá Vô cơ, công nghiệp Thực phẩm, Hoá nhuộm, Khai khoáng, Địa chất, Giấy và đồ hộp.

Với chủ trương phát triển công nghiệp của Đảng và Chính phủ, một loạt các nhà máy, xí nghiệp và các khu công nghiệp ra đời, đòi hỏi công tác đào tạo đội ngũ cán bộ kỹ thuật phải đáp ứng yêu cầu đó, một số ngành của trường được tách ra để thành lập trường mới. Năm 1958 ngành Khai khoáng được tách ra để thành lập trường Trung cấp Mỏ (nay là trường Đại học Công nghiệp Quảng Ninh). Năm 1960 ngành địa chất được tách ra để thành lập trường Trung cấp địa chất (nay là trường Cao đẳng Công nghiệp Phúc Yên). Về sau này, năm 1973 tách thành lập trường công nhân kỹ thuật Hoá chất nay là trường Cao đẳng Công nghiệp Hoá chất thuộc tập đoàn công nghiệp Hoá chất Việt Nam).

Khi miền Bắc nước ta đi vào thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960-1965), thực hiện nguyên lý và phương châm giáo dục của Đảng, “Đào tạo phải gắn liền với thực tế sản xuất”, nhà trường được chuyển từ Hà Nội lên địa bàn xã Chu Hoá, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ (gần 2 khu công nghiệp Hoá chất lớn đó là Việt Trì và Lâm Thao). Ngày 29-01-1962 nhà trường đã được đổi tên thành trường Trung cấp Hoá chất.

Trong những năm chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ, nhà trường phải đi sơ tán nhiều nơi (từ xã Xuân Lũng, huyện Lâm Thao đến xã Dị Nậu, xã Văn Lương, huyện Tam Nông), công tác quản lý, điều hành bị phân tán, giáo viên và học sinh của trường phải trải qua muôn vàn khó khăn, đã 5 lần phải xây dựng lại trường sở nhưng nhà trường vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đặc biệt ngày 27-8-1972 trên diện tích gần 4 ha của trường đã phải gánh chịu hơn 250 quả bom của giặc Mỹ, nhà trường bị phá huỷ hoàn toàn, 17 cán bộ, giáo viên và học sinh của trường bị bom Mỹ giết hại nhưng nhà trường vẫn duy trì các hoạt động đào tạo, vẫn cho ra trường được hàng ngàn học sinh có trình độ chuyên môn giỏi, có phẩm chất đạo đức tốt phục vụ cho sự nghiệp xây dựng và kiến thiết Tổ quốc.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ngành Công nghiệp Hoá chất phát triển mạnh mẽ, đòi hỏi đội ngũ cán bộ kỹ thuật trong ngành phải có trình độ chuyên môn cao hơn. Tổng cục Hoá chất đã giao cho trường đào tạo thí điểm đội ngũ kỹ thuật viên cấp cao. Với sự giúp đỡ tận tình của trường Đại học Bách khoa Hà Nội trong việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng dạy và xây dựng chương trình đào tạo, năm 1980 nhà trường đã đào tạo thí điểm khoá kỹ thuật viên cấp cao đầu tiên cho ngành Hoá Vô cơ và Cơ khí Hoá chất và sau đó là ngành Hoá Phân tích và Hoá Hữu cơ. Qua hơn 10 năm đào tạo, đội ngũ kỹ thuật viên cấp cao, những sinh viên tốt nghiệp ra trường đã được các doanh nghiệp trong và ngoài ngành đánh giá cao về năng lực chuyên môn đặc biệt là kỹ năng thực hành. Cũng từ thực tế đó, tháng 9-1995 Bộ Giáo dục- Đào tạo đã Quyết định cho trường được đào tạo trình độ Cao đẳng với 4 ngành đó là Kỹ thuật Hoá Vô cơ; Kỹ thuật Hoá Hữu cơ; Hoá Phân tích và Cơ khí Hoá chất.

Xuất phát từ thực tế sản xuất, trình độ người lao động trong các nhà máy phải được nâng cao, nhà trường đã sớm xây dựng chiến lược phát triển ở giai đoạn mới. Được sự giúp đỡ của khoa Hoá trường Đại học Tổng hợp (nay là khoa Hoá, trường Đại học Khoa học tự nhiên thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đã mở 2 lớp cao học cho cán bộ và giáo viên của trường cùng với sự đầu tư về cơ sở vật chất để đáp ứng yêu cầu đào tạo ở trình độ cao hơn. Ngày 24-01-1997 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 47/QĐ-TTg thành lập trường Cao đẳng Hoá chất trên cơ sở nâng cấp trường Trung học Hoá chất.

Sau nhiều năm đào tạo ở trình độ Cao đẳng, đội ngũ cán bộ quản lý cũng như cán bộ giảng dạy của nhà trường được bổ sung về số lượng, nâng cao về trình độ chuyên môn và chất lượng giảng dạy, cơ sở vật chất thiết bị thực hành, thí nghiệm đã đáp ứng được yêu cầu nâng cao chất lượng và mở rộng quy mô đào tạo.

Tháng 2 năm 2006, trường Cao đẳng Hoá chất được Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Thủ tướng để đưa vào quy hoạch xây dựng trở thành trường đại học. Để đáp ứng được tiêu chuẩn của một cơ sở đào tạo ở trình độ đại học, nhà trường đã xây dựng mục tiêu, chiến lược phát triển và kế hoạch, biện pháp thực hiện chiến lược đó mà tập trung vào 2 nhiệm vụ quan trọng mang tính chất quyết định sự tồn tại và phát triển nhà trường đó là: Tập trung công tác đào tạo đội ngũ cán bộ và đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ cho công tác đào tạo của nhà trường. Đến ngày 20 tháng 01 năm 2011 Nhà trường chính thức được nâng cấp thành trường Đại học Công nghiệp Việt Trì theo quyết định số 126/QĐ-TTg của thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Trong 60 năm xây dựng và trưởng thành, Nhà trường đã đào tạo được trên 80 ngàn cán bộ kỹ thuật và công nhân lành nghề, đặc biệt là trong 31 năm đào tạo kỹ thuật viên cấp cao và cán bộ kỹ thuật có trình độ cao đẳng, nhà trường đã cung cấp nguồn nhân lực có trình độ cao phục vụ ngành công nghiệp và các ngành kinh tế trong cả nước, trong đó đã cung cấp nguồn lao động kỹ thuật đáng kể cho ngành Công nghiệp Quốc phòng, đóng góp tích cực cho sự nghiệp công nghiệp hoá- hiện đại hoá và góp phần sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Với những thành tích đạt được trong 60 năm qua, nhà trường đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quí đó là:

  • 3 Huân chương Lao động hạng Ba (các năm 1960; 1964 và 1968)
  • 1 Huân chương Lao động hạng Nhì ( năm 1985)
  • 1 Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 1997)
  • 1 Huân chương Chiến công hạng Ba ( năm 1990)
  • 1 Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2002)
  • 1 Huân chương độc lập hạng Nhì (năm 2006)
  • 1 Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2011)

Ngoài ra nhà trường còn được tặng nhiều Bằng khen, Cờ thi đua của Chính phủ, của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục & Đào tạo và của UBND tỉnh Phú Thọ. Đây là nguồn động viên khích lệ to lớn để thầy và trò nhà trường tiếp tục phấn đấu, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng uy tín nhà trường ngày càng cao hơn.

Thông tin liên hệ:

Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì - Viet Tri University of Industry (VUI).

Địa chỉ: Lâm Thao, Phú Thọ; Việt Trì, Phú Thọ

Điện thoại: (84)0210 3829247; Fax: (84)0210 3827306; Website: vui.edu.vn