Học viện Chính trị khu vực I thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh được thành lập năm 1953, tiền thân là các trường Đảng khu Tả Ngạn, khu Ba, khu Bốn, Tây Bắc, Việt Bắc trong những năm 1953-1959. Trong quá trình xây dựng và phát triển, Học viện đã trải qua nhiều thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, đó là:

Năm 1983, hợp nhất các trường Nguyễn Ái Quốc I, II, III, IV và VI đổi tên thành trường Nguyễn Ái Quốc I.

Đến năm 1990, thực hiện quyết định số 103-QĐ/TW ngày 01 tháng 03 năm 1990 của Ban Bí thư Trung ương, trường Nguyễn Ái Quốc I hợp nhất với trường Tổ chức – Kiểm tra Trung ương lấy tên là trường Nguyễn Ái Quốc khu vực I.

Năm 1993, thực hiện quyết định số 61-QĐ/TW ngày 10 tháng 3 năm 1993 của Bộ Chính trị, trường đổi tên thành Phân viện Hà Nội trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Ngày 02 tháng 8 năm 2005, Bộ Chính trị ra quyết định số 149-QĐ/TW đổi tên Phân viện Hà Nội thành Học viện Chính trị khu vực I thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Thực hiện quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07 tháng 05 năm 2007 và quyết định số 100-QĐ/TW ngày 22 tháng 10 năm 2007 và nghị định số 129/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ của các trường thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Học viện Chính trị khu vực I đổi tên thành Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I (năm 2007) thuộc Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

Đến tháng 02 năm 2014 Học viện Chính trị - Hành chính khu vực I một lần đổi tên thành Học viện Chính trị khu vực I trực thuộc Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh theo quyết định số 544/QĐ-HVCTQG ngày 18 tháng 02 năm 2014. Chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Chính trị khu vực I được quy định tại Quyết định số 2952/QĐ-HVCTQG ngày 27 tháng 6 năm 2014 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Nhiệm vụ của Học viện từ thời điểm này là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dự nguồn, cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp của Đảng và Nhà nước, đào tạo hệ cử nhân và sau đại học các chuyên ngành theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tổ chức và tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học phục vụ công tác đào tạo.

Như vậy, từ một trường Đảng ra đời trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với chức năng chủ yếu lúc đầu là đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cấp huyện cho Đảng, Nhà nước, phục vụ sự nghiệp “kháng chiến, kiến quốc”, đến nay, Học viện đã trở thành một đơn vị thuộc hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, với chức năng nhiệm vụ ngày càng được mở rộng và đa dạng.

Học viện Chính trị khu vực I là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học lý luận chính trị của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước và các đơn vị sự nghiệp công lập ở khu vực phía Bắc; nghiên cứu khoa học lý luận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, các Ban, Ngành Trung ương theo phân cấp của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

Học viện có nhiệm vụ:

- Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt và dự nguồn cho cấp trưởng, phó phòng và tương đương của các Bộ, Ban, Ngành Trung ương và các Sở, Huyện, Quận, Thị xã; đào tạo để chuẩn hóa chức danh công chức cho cán bộ không thuộc diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý; đào tạo, bồi dưỡng chức danh Bí thư Đảng ủy, Giám đốc doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn được phân công; đào tạo cán bộ lãnh đạo, quản lý và cán bộ lý luận chính trị cho nước bạn Lào; đào tạo cao học một số chuyên ngành theo sự phân công của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

- Nghiên cứu khoa học lý luận Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, khoa học chính trị, hành chính và một số ngành khoa học xã hội - nhân văn khác theo hướng: phục vụ việc nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, cung cấp luận cứ khoa học cho việc xây dựng và hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tổng kết, làm sáng tỏ những vấn đề lý luận và thực tiễn mới nảy sinh; chú trọng cả nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu ứng dụng, gắn lý luận với thực tiễn…

 - Hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học theo quy định của Đảng, Nhà nước và của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.

 Học viện Chính trị khu vực I có 10 đơn vị chức năng; 16 đơn vị giảng dạy và nghiên cứu khoa học (gồm 13 khoa, 01 Tạp chí Giáo dục lý luận; 01 Trung tâm thông tin khoa học; 01 Viện Nghiên cứu Chính sách và phát triển). Tính đến tháng 06 năm 2018, Học viện Chính trị khu vực I có 323 cán bộ, viên chức. Đội ngũ cán bộ khoa học của Học viện có 09 PGS, TS; 57 TS; 132 Ths.

Về công tác đào tạo

Kết quả của công tác đào tạo bồi dưỡng năm 2017-2018 của Học viện Chính trị khu vực I: Hệ Cao cấp lý luận chính trị tập trung đã mở 18 lớp với tổng số 747 học viên; Hệ Cao cấp lý luận chính trị không tập trung mở 21 lớp với hơn 1880 học viên; Hệ Cử nhân chính trị cho học viên nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào có 05 lớp (mỗi năm có 1 lớp từ Lào sang); Hệ Cao học quản lý kinh tế với 40 học viên; 11 lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ về Công tác Kiểm tra Đảng, Công tác Tổ chức, Dân vận, Văn phòng cấp ủy, với số lượng 81 học viên.

 Về công tác nghiên cứu khoa học

 Trong giai đoạn 2010-2015, ngoài các đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ và cơ sở được cấp kinh phí theo nguồn ngân sách nhà nước phân bổ, Học viện chủ trì thực hiện 09 đề tài cấp Nhà nước, 03 đề tài nghiên cứu cơ bản NAFOSTED theo sự đầu tư, quản lý trực tiếp của Bộ Khoa học và Công nghệ. Học viện tổ chức 09 hội thảo quốc gia và quốc tế (trong đó có 02 Hội thảo quốc tế).

Năm 2016, triển khai nghiên cứu 20 đề tài cấp Bộ và cơ sở các loại. Trong đó có 18 đề tài đạt loại xuất sắc. Năm 2017, có 66 đề tài cấp Bộ và cơ sở đang được triển khai trong đó 06 đề tài cấp bộ, 18 đề tài cơ sở phân cấp, 31 đề tài cơ sở tự chủ, 04 đề tài do quỹ Nafoted tài trợ, 05 đề tài cấp tỉnh/thành phố, 02 đề tài cấp Nhà nước.

Về Hợp tác quốc tế

Hiện nay, Học viện Chính trị khu vực I có quan hệ hợp tác nghiên cứu khoa học với các nước: Trung Quốc, Lào, Nga, Úc, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản... với nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, các tổ chức quốc tế khác.

Về cơ sở vật chất

Cơ sở vật chất, kỹ thuật, trang thiết bị của Học viện đã được đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp. Đến nay, hệ thống giảng đường, thư viện, nhà ở học viên, nhà hiệu bộ, trang thiết bị dạy học từng bước được hiện đại hóa, đáp ứng  yêu cầu phục vụ học tập, giảng dạy, nghiên cứu của Học viện.