Qua 10 năm thành lập và trưởng thành, đến nay (31/12/2016) Viện có gần 30 cán bộ, công chức, viên chức, trong đó 90% số lượng cán bộ có trình độ từ đại học trở lên (2 tiến sỹ, 7 thạc sỹ).

Về hoạt động nghiên cứu khoa học: hàng chục đề tài cấp quốc gia, cấp bộ và gần 70 đề tài cấp cơ sở đã được Viện thực hiện theo đặt hàng, trong đó tập trung vào các chủ đề: 1) các phương pháp,  kỹ thuật giám định, định giá sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu...; 2) các công cụ quản trị tài sản trí tuệ (TSTT), các khía cạnh kinh tế, kỹ thuật liên quan đếnTSTT và các xu hướng mới trong bảo hộ SHTT trên thế giới hiện nay.

Về hoạt động đào tạo, huấn luyện: hướng tới việc bồi dưỡng kiến thức, huấn luyệnkỹ năng quản trị chiến lược TSTT, quản lý hoạt động tạo dựng, phát triển, bảo vệ, thương mại hóa TSTT cho các doanh nghiệp Việt Nam. Được triển khai từ năm 2008, Chương trình đào tạo quản trị TSTT do Viện phối hợp với Sở KH&CN TP Hồ Chí Minh  với các chuỗi module từ cơ bản đến nâng cao dành cho các loại đối tượng học viên khác nhauđã bước đầu gây dựng được đội ngũ quản trị viên TSTT đầu tiên của Việt Nam. Đã có khoảng 600 lượt học viên tham dự Chương trình đào tạo này với các cấp độ khác nhau và trong thời gian tới Viện sẽ tiếp tục triển khai chương trình này  với quy mô rộng hơn tại các tỉnh, thành phố khác nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực quản trị viên TSTT của các tổ chức/doanh nghiệp.

Về hoạt động tư vấn, giám định, định giá về SHCN: Từ khi triển khai hoạt động tư vấn, giám định (tháng 9/2009) và định giá, Viện đã tiếp nhận, giải quyết và cung cấp ý kiến chuyên môn theo yêu cầu của nhiều cơ quan thực thi, tổ chức và cá nhân .Riêng trong công tác giám định SHCN, số lượng yêu cầu mà Viện tiếp nhận, xử lý có xu hướng gia tăng (khoảng 15%/năm), tính đến tháng 12/2016 Viện đã tiếp nhận và xử lý gần 3.800 yêu cầu giám định liên quan tới sáng chế, kiểu dáng, nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý.

Định hướng trong thời gian tới: Trong thời gian tới, trên cơ sở những kết quả đã đạt được, Viện sẽ tiếp tục phát triển theo hướng tăng cường hoạt động nghiên cứu lý luận và thực tiễn về các vấn đề mới, then chốt về SHTT, phục vụ xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT và hoàn thiện hệ thống SHTT phục vụ phát triển kinh tế;  triển khai với quy mô sâu rộng các chương trình đào tạo, huấn luyện dành cho doanh nghiệp, các tổ chức KH&CN, cá nhân nhằm nâng cao hiểu biết, kỹ năng quản trị, phát triển hiệu quả TSTT; triển khai cung cấp các dịch vụ về SHCN  một cách đa dạng, có chất lượng cao  đáp ứng yêu cầu của xã hội, bao gồm các dịch vụtư vấn, giám định,  định giá, thông tin,  quản trị TSTT.          Cùng với việc chú trọng củng cố, nâng cao năng lực của Viện,sự chỉ đạo, quan tâm của Lãnh đạo Bộ KH&CN, mối quan hệ hợp tác, đối tác giữa Viện với các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác sẽ tiếp tục được chú trọng nhằm không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước về SHTT mà còn nâng cao hơn nữa vai trò của Viện trong việc hỗ trợ các chủ thể khác nhau của nền kinh tế tiếp cận và sử dụng có hiệu quả các công cụ về SHTT vì mục tiêu phát triển…

Chức năng, nhiệm vụ

Chức năng, nhiệm vụ của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (sau đây gọi tắt là Viện KH SHTT) được quy định tại Điều lệ Tổ chức và hoạt động (sau đây gọi tắt là Điều lệ) của Viện KH SHTT ban hành kèm theo Quyết định số 1879/QĐ-BKHCN ngày 03/7/2018 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. Theo đó:

(i) Viện KH SHTT là đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, giúp Bộ trưởng thực hiện  chức năng nghiên cứu khoa học, huấn luyện, giám định, tư vấn và định giá trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

(ii) Viện KH SHTT có nhiệm vụ, quyền hạn sau:

- Nghiên cứu khoa học về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ: xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt kế hoạch nghiên cứu về sở hữu trí tuệ; nghiên cứu khoa học về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ (các vấn đề về quản trị, định giá, khai thác, thương mại hóa  tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ; các chính sách quản lý, phát triển tài sản trí tuệ, đổi mới sáng tạo; các vấn đề về cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, khuynh hướng phát triển, chính sách bảo hộ thích hợp; kinh nghiệm quốc tế về bảo hộ, phát triển tài sản trí tuệ….);

- Đào tạo, huấn luyện về sở hữu trí tuệ: Tổ chức các cuộc hội thảo, hội nghị chuyên đề về tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ; xây dựng chương trình, biên soạn bài giảng, tài liệu phục vụ cho hoạt động đào tạo, huấn luyện; tổ chức các lớp bồi dưỡng, huấn luyện, đào tạo nhân lực về sở hữu trí tuệ theo quy định về việc đào tạo; biên soạn, biên dịch, ấn hành tài liệu hướng dẫn, tham khảo, giới thiệu kết quả nghiên cứu về sở hữu trí tuệ; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về sở hữu trí tuệ…;

- Tham mưu, tư vấn về sở hữu trí tuệ: trợ giúp pháp lý, kỹ năng, kinh nghiệm chuyên môn về sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; trợ giúp thông tin sở hữu trí tuệ cho các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp; tư vấn giải quyết các vụ việc xung đột, tranh chấp, khiếu nại vê sở hưu trí tuệ; phản biện các chương trình, chính sách, văn bản pháp luật, các quy định hành chính về sở hữu trí tuệ.

- Giám định về sở hữu trí tuệ: xây dựng các công cụ (thông tin, tra cứu, chương trình) phục vụ giám định sở hữu trí tuệ; tiếp nhận và thực hiện giám định sở hữu trí tuệ.

- Định giá tài sản trí tuệ: xây dựng phương pháp luận, quy trình, dữ liệu thông tin, công nghệ cho việc định giá tài sản trí tuệ; tư vấn về định giá tài sản trí tuệ; tiếp nhận và thực hiện định giá tài sản trí tuệ.

- Hợp tác quốc tế về nghiên cứu, đào tạo, tư vấn - giám định, định giá tài sản trí tuệ.

- Tiếp nhận và sử dụng các nguồn tài trợ, viện trợ dành cho Viện KH SHTT.

- Quản lý công chức, viên chức, người lao động, tài chính, tài sản, tài liệu của Viện KH SHTT theo phân cấp của Bộ và quy định của pháp luật.

- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao./.