Toàn cảnh Lò phản ứng hạt nhân (Đà Lạt)
Trên cơ sở tiếp quản Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt, Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt) được thành lập theo Quyết định số 64/CP ngày 26/4/1976 của Thủ tướng Chính phủ. Do nhu cầu phát triển của ngành, trên cơ sở Viện Nghiên cứu hạt nhân (Đà Lạt), Nghị định số 59-CP ngày 23/02/1979 của Hội đồng Chính phủ đã thành lập Viện Nghiên cứu hạt nhân (có trụ sở chính tại Hà Nội) trong đó có Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt. Nghị định 87-HĐBT ngày 11/6/1984 của Hội đồng Bộ trưởng đã đổi tên Viện Nghiên cứu hạt nhân thành Viện Năng lượng nguyên tử Quốc gia và Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt thành Viện Nghiên cứu hạt nhân hiện nay. Tháng 3/2019, kỷ niệm 35 năm ngày khánh thành Công trình khôi phục và mở rộng Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt cũng là thời điểm Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) vừa tròn 40 năm hình thành và phát triển nếu lấy dấu mốc từ ngày mang tên Phân viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt.
Viện NCHN có nhiệm vụ vận hành an toàn, khai thác có hiệu quả Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt và các thiết bị khoa học và công nghệ khác để phục vụ nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; Thực hiện các nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng trong các lĩnh vực vật lý hạt nhân, vật lý lò phản ứng, hóa phân tích, hóa bức xạ, hóa phóng xạ, sinh học phóng xạ, môi trường, định liều lượng bức xạ, v.v..; Thực hiện chức năng hỗ trợ kỹ thuật phục vụ công tác quản lý nhà nước và phát triển của ngành trong các lĩnh vực an toàn bức xạ, an toàn hạt nhân, quản lý và xử lý thải phóng xạ, quản lý và vận hành các trạm quan trắc phóng xạ môi trường, kiểm chuẩn các thiết bị đo lường bức xạ và hạt nhân, ứng phó và xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân, v.v..; Xây dựng tiềm lực về cơ sở vật chất kỹ thuật và tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho sự phát triển của Viện và Ngành; Thực hiện hoạt động nghiên cứu phát triển, dịch vụ kỹ thuật và sản xuất sản phẩm trong các lĩnh vực điều chế đồng vị và dược chất phóng xạ, phân tích nguyên tố trong các loại mẫu, sản xuất chế phẩm công nghệ bức xạ, sản phẩm công nghệ sinh học, dịch vụ đánh giá tác động môi trường, sản xuất thiết bị và các lĩnh vực liên quan nhằm phát triển ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và năng lượng nguyên tử phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; Thực hiện hợp tác liên doanh, liên kết với các cơ quan trong và ngoài nước về các lĩnh vực có liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Viện nhằm đẩy mạnh việc chuyển giao và trao đổi các quy trình công nghệ, các sản phẩm của Viện với các cơ sở sản xuất, tổ chức nghiên cứu và đào tạo. Quản lý các hoạt động của Viện theo cơ chế tự chủ một phần kinh phí theo quy định tại Nghị định số 54/2016/NĐ-CP ngày 14/6/2016 của Chính phủ, Thông tư số 90/2017/TT-BTC ngày 30/8/2017 của Bộ Tài chính, Thông tư số 01/2017/TT-BKHCN ngày 12/01/2017 của Bộ KH&CN, và các Quy định hiện hành của Nhà nước. Viện cũng được giao nhiệm vụ đào tạo Tiến sỹ các chuyên ngành vật lý lý thuyết, vật lý nguyên tử và hạt nhân, hóa phân tích.