Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp, trực thuộc Bộ Công Thương, tiền thân là Trường Công nhân Kỹ thuật II (gọi tắt là Trường II), được thành lập từ năm 1966. Trường thuộc khối các trường công lập, nằm trong hệ thống giáo dục quốc dân của Việt Nam. Tầm nhìn, sứ mạng, mục tiêu phát triển:
Tầm nhìn: Trở thành cơ sở giáo dục đại học danh tiếng, chất lượng, đào tạo đa cấp, đa ngành, đáp ứng các yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước, hướng đến chuẩn khu vực và quốc tế về đào tạo; Trung tâm hợp tác đào tạo và chuyển giao công nghệ, là nơi khởi đầu sự nghiệp của sinh viên Việt Nam và nơi giao lưu, học tập của sinh viên quốc tế.
Sứ mạng: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cho ngành công nghiệp, thương mại theo hướng thực hành công nghệ, có khả năng tự nghiên cứu ứng dụng, làm việc độc lập và sáng tạo tại các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Mục tiêu: Phát triển ổn định, bền vững, từng bước nâng cao chất lượng. Đào tạo cán bộ quản lý, các cử nhân, các kỹ thuật viên, thợ lành nghề có phẩm chất đạo đức tốt, có sức khoẻ, tư chất tốt, kiến thức chuyên môn vững, kỹ năng thực hành nghề cao, tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động, có khả năng thích ứng với môi trường hội nhập quốc tế. Đảm bảo các tiêu chí phục vụ cho nền công nghiệp, thương mại của đất nước, có khả năng tham gia các chương trình nghiên cứu ứng dụng phát triển kinh tế khu vực và thế giới.
- Đa dạng hoá các ngành nghề đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập nâng cao trình độ, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chủ yếu cho các ngành công nghiệp, thương nghiệp và dịch vụ.
- Đổi mới cơ chế quản lý, chương trình, nội dung, hình thức đào tạo và phương pháp giảng dạy; nâng cao trình độ đội ngũ giảng viên, từng bước hiện đại hoá cơ sở vật chất; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế về đào tạo nhằm tạo môi trường học tập mang tính hợp tác, năng động và sáng tạo, giúp người học phát triển toàn diện nhân cách và chuyên môn.
- Thực hiện đào tạo theo nhu cầu xã hội, đào tạo theo địa chỉ, tăng cường gắn kết giữa đào tạo với sử dụng lao động, gắn đào tạo với thực tế sản xuất.
- Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mang tính ứng dụng cao cho ngành công nghiệp trong nước và các chương trình hội nhập khu vực.
Lịch sử các giai đoạn phát triển của Nhà trường:
Từ ngày thành lập đến nay Trường đã qua 5 lần đổi tên:
1966-1982: Trường Công nhân Kỹ thuật II;
1982-1997: Trường Công nhân Cơ khí Hóa chất;
1997-2004: Trường Đào tạo nghề Cơ-Điện-Hóa chất;
2004-2008: Trường Trung học Kỹ thuật Công nghiệp;
2008-2009: Trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp;
2009 đến nay: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp;
Đội ngũ giảng viên:
Số lượng cán bộ, giáo viên, công nhân viên: 158 người. Trong đó: 131 giảng viên, giáo viên cơ hữu, gồm các trình độ:
Sau đại học (NCS và thạc sĩ): 74 người, chiếm tỷ lệ 56,5%;
Đại học: 52 người, chiếm tỷ lệ 39,7%;
Cao đẳng và trung cấp: 05 người, chiếm tỷ lệ 3,8%;
02 Giảng viên đạt danh hiệu Nhà giáo ưu tú và nhiều giảng viên, giáo viên đạt thành tích cao trong các kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp Tỉnh, cấp Toàn quốc.
Từ năm 2001 đến nay nhà trường thực sự có những bước chuyển biến mạnh mẽ, được sự chỉ đạo của Bộ Công Thương, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các đơn vị hữu quan, với sự nỗ lực phấn đấu của cán bộ viên chức, thầy và trò nhà trường năm 2000 nhà trường chuyển từ Tổng Công ty Hóa chất chuyển về trực thuộc Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương). Năm 2004, nhà trường được nâng cấp từ trường Đào tạo nghề Cơ-Điện-Hóa chất thành trường Trung cấp Kỹ thuật Công nghiệp. Ngày 28/7/2009, Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo đã có Quyết định số 5499/QĐ-BGDĐT thành lập trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp.
Quyết định thành lập trường Cao đẳng đã đưa nhà trường lên vị thế mới, khẳng định một bước tiến quan trọng có tính chất đột phá, bước sang một thời kỳ mới. Nhà trường đã đẩy mạnh phát triển qui mô, loại hình đào tạo. Lưu lượng học sinh sinh viên từ hơn 1000 tăng lên tới gần 4000. Nhiều ngành học mới được mở, đến nay đã có trên 40 ngành học thuộc các cấp đào tạo trong nhà trường. Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, từ thời điểm chỉ giáo viên có 01 thạc sĩ, đến nay đã có trên 70 giảng viên đạt trình độ thạc sĩ trở lên chiếm 60% tổng số giảng viên hiện có.
Trong giai đoạn này nhà trường tập trung đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại phục vụ cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học như phòng học CAD/CAM/CNC, phòng học ngoại ngữ, tin học, phòng thí nghiệm cơ, lý, hóa, các máy gia công cắt gọt, trung tâm gia công cơ khí, máy hàn bán tự động, Robot hàn, các thiết bị thực hành điện, điện tử, xây dựng mới 02 nhà giảng đường 4 tầng học, 01 nhà xưởng 5 tầng và tòa nhà đa năng 8 tầng...
Để nhanh chóng đáng ứng được yêu cầu đào tạo, nhà trường chú trọng đổi mới nâng cao chất lượng đào tạo, công tác quản lý, tăng cường quan hệ hợp tác với các trường đào tạo chuyên ngành trong nước và quốc tế như liên kết đào tạo liên thông từ cao đẳng lên đại học với trường ĐH Kinh tế quốc dân, ĐH Công nghiệp Hà Nội, tư vấn và giới thiệu học sinh đi du học, thực tập tại Nhật Bản. Đồng thời nhà trường mở rộng liên kết với các công ty, xí nghiệp trong và ngoài nước như Công ty Cao su Sao vàng Hà Nội, Công ty cổ phần Cầu 5 Thăng Long, Công ty Goshi Thăng Long, Công ty Canon Bắc Ninh, Công ty Tabuchi, Catolec, Công ty Liên doanh chế tạo xe máy Li Fan Việt Nam...là những điểm tiếp nhận học sinh sinh viên được thực tập, nâng cao trình độ tay nghề và làm việc sau khi ra trường.