I. Vị trí và chức năng
Viện Quy hoạch Thủy lợi là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng điều tra cơ bản; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đào tạo và hợp tác quốc tế; tư vấn và dịch vụ để lập quy hoạch thủy lợi nhằm điều hòa, sử dụng, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nước, môi trường và chất lượng nước trên phạm vi toàn quốc.
Viện có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và Ngân hàng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Trụ sở chính của Viện đặt tại Thành phố Hà Nội.
Kinh phí hoạt động của Viện được bố trí từ ngân sách Nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
II. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng và trình Bộ:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, các chương trình, dự án về quy hoạch thuỷ lợi, đê điều, phòng, chống thiên tai, phát triển nguồn nước thuộc nhiệm vụ của Viện và tổ chức thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
b) Tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy trình, quy phạm, hướng dẫn kỹ thuật thuộc nhiệm vụ của Viện theo quy định của pháp luật.
2. Xây dựng phương pháp luận về quy hoạch phát triển thủy lợi, giá thiết kế cho công tác quy hoạch thủy lợi, phát triển nguồn nước, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
3. Về nghiên cứu lập quy hoạch:
a) Cơ sở khoa học và phương pháp lập quy hoạch thủy lợi, phát triển nguồn nước, phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.
b) Quy hoạch thủy lợi trên các lưu vực sông phục vụ khai thác tổng hợp nguồn nước;
c) Quy hoạch thủy lợi chi tiết tại các lưu vực sông, vùng, địa phương và hệ thống;
d) Tổng hợp, sử dụng và phân bổ nguồn nước để phát triển thuỷ lợi, thủy điện, thủy sản, diêm nghiệp, giao thông, công nghiệp, môi trường và chất lượng nước trên các lưu vực sông và vùng kinh tế;
đ) Rà soát, cập nhật, điều chỉnh bổ sung sơ đồ khai thác các dòng sông, số liệu tính toán cân bằng nước, xâm nhập mặn, môi trường và chất lượng nước trên các lưu vực sông, hệ thống thủy lợi;
e) Quy hoạch thủy lợi gắn với đê điều và phòng chống thiên tai;
g) Cơ sở hạ tầng và phát triển nông thôn;
h) Chỉnh trị sông, chống xói lở bờ sông, bờ biển, sạt lở đất;
i) Quy hoạch cấp nước, tiêu thoát nước, chống hạn, ngập úng;
k) Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến nguồn nước, hệ thống công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai;
l) Cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.
4. Xây dựng quy trình vận hành hồ chứa, liên hồ chứa phục vụ quản lý khai thác bảo vệ công trình thủy lợi, hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ phát triển kinh tế xã hội, phòng chống thiên tai. Xây dựng bản đồ ngập lụt, úng, hạn các hồ chứa nước và các lưu vực sông.
5. Điều tra cơ bản:
a) Điều tra về cơ sở hạ tầng thủy lợi; cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thủy lợi;
b) Điều tra về hạn hán, xâm nhập mặn, úng ngập, diễn biến bồi lắng, xói lở;
c) Điều tra về tài nguyên nước, môi trường;
d) Điều tra về nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế xã hội.
6. Khảo sát địa hình, khảo sát địa chất, địa chất thuỷ văn, địa chất công trình, thuỷ văn, nguồn nước, chất lượng nước, môi trường sinh thái nguồn nước và thí nghiệm đất, nước.
7. Lập các dự án quy hoạch, rà soát, điều chỉnh quy hoạch:
a) Môi trường, quy hoạch bảo vệ nguồn nước, đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, tư vấn giám sát môi trường, nghiên cứu đánh giá về trữ lượng, chất lượng nước mặt và nước ngầm, môi trường sinh thái nguồn nước cho lưu vực sông, dự báo tình hình và khả năng lan truyền gây ô nhiễm các nguồn nước và biện pháp xử;
b) Quy hoạch quản lý thuỷ lợi, hiện đại hoá hệ thống thủy lợi;
c) Di dân, tái định cư cho xây dựng các công trình thủy lợi, thủy điện, khu công nghiệp, khu đô thị, các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, ngập, úng, lũ quét, xói lở bờ sông bờ biển, quy hoạch dân cư, tái định cư ở những vùng trọng điểm, ven biên giới.
8. Chủ trì thực hiện các chương trình, dự án đầu tư vào Viện; các dự án điều tra; đề tài nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thuộc lĩnh vực liên quan đến quy hoạch thủy lợi, sử dụng, bảo vệ và phát triển nguồn nước, môi trường và chất lượng nước theo phân công của Bộ trưởng và quy định của pháp luật.
9. Hợp tác quốc tế, liên doanh, liên kết với các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước về lĩnh vực quy hoạch và phát triển, quản lý nguồn nước, bảo vệ môi trường và các chương trình, đề án, dự án, đề tài nghiên cứu liên quan về nguồn nước, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
10. Cung cấp các dịch vụ tư vấn về quy hoạch, khảo sát, thiết kế, lập dự án đầu tư, thẩm tra, thẩm định dự án đầu tư, giám sát thi công, quản lý dự án, kiểm tra chất lượng công trình thuỷ lợi, thuỷ điện, thủy sản, giao thông, xây dựng dân dụng, xây dựng công nghiệp, cơ sở hạ tầng, cấp thoát nước, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xử lý nước thải, rác thải, diêm nghiệp; thí nghiệm phân tích mẫu nước, đất, đá, bê tông và vật liệu xây dựng; đánh giá tác động môi trường, đánh giá chất lượng nước, đánh giá môi trường chiến lược phù hợp với năng lực hành nghề, nguồn vốn và trang thiết bị của Viện theo quy định của Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng và quy định khác của pháp luật liên quan.
11. Thông tin khoa học, công nghệ và môi trường, phát hành tạp chí, bản tin, trang thông tin điện tử theo chuyên ngành theo quy định của pháp luật.
12. Tham gia Hội đồng khoa học kỹ thuật và công nghệ cấp Bộ, Nhà nước, liên ngành; Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước về quy hoạch phát triển các vùng kinh tế và các ngành theo quy định.
13. Quyết định việc mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử công chức, viên chức ra nước ngoài công tác theo quy định của pháp luật hiện hành và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
14. Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ về điều tra, quy hoạch thủy lợi, quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn theo quy định của pháp luật và phân công của Bộ trưởng.
15. Quản lý kinh phí, tài sản và các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật.
16. Thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phân công của Bộ trưởng.
17. Thực hiện nhiệm vụ của Văn phòng thường trực Ban Quản lý quy hoạch thủy lợi lưu vực sông; Văn phòng thường trực Hội đồng quản lý khai thác Hệ thống công trình thủy lợi thuộc nhiệm vụ của Bộ theo phân công của Bộ trưởng.
18. Xây dựng trình Bộ phê duyệt đề án vị trí việc làm; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức theo ngạch, số lượng viên chức theo chức danh nghề nghiệp và người lao động theo phân cấp quản lý của Bộ và quy định của pháp luật.
19. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.