Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bình Thuận tiền thân là Trường trung cấp nghề Bình Thuận được thành lập tại Quyết định số 02/2000/QĐ-CTUBBT ngày 05/01/2000 của Chủ tịch UBND Bình Thuận, là đơn vị sự nghiệp có thu thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh. Ngày 02/3/2012, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Quyết định số 254/QĐ-BLĐTBXH nâng cấp Trường Trung cấp nghề tỉnh Bình Thuận thành Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bình Thuận.

Ngày 11/6/2012, Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Điều lệ Trường Cao đẳng nghề tỉnh Bình Thuận (Quyết định số  1117/QĐ-UBND). Với nhiệm vụ Tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề. Tổ chức xây dựng, duyệt và thực hiện các chư­ơng trình, giáo trình, học liệu dạy nghề đối với ngành nghề được phép đào tạo. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh học nghề. Tổ chức các hoạt động dạy và học; thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường đủ về số lượng; phù hợp với ngành nghề, quy mô và trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật. Tổ chức nghiên cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; thực hiện sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khoa học, kỹ thuật theo quy định của pháp luật. Tư vấn học nghề, tư vấn việc làm miễn phí cho người học nghề. Tổ chức cho người học nghề tham quan, thực tập tại doanh nghiệp. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, gia đình ngư­ời học nghề trong hoạt động dạy nghề.

Trường CĐN tỉnh Bình Thuận có 3 khoa với hơn 100 CB-VC-GV có trình độ, chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Trường đào tạo 43 nghề với 3 cấp độ SCN, TCN và CĐN. Ngoài ra, Trường còn liên kết hợp tác với các trường tuyến trung ương đào tạo tại địa phương các bậc học TCCN, ĐH hệ vừa học vừa làm, liên thông từ TC lên CĐ-ĐH. Hàng năm trường tuyển sinh hơn 1000 HSSV hệ TC, CĐ và Đại học liên thông đào tạo.

Nét nổi bật của trường CĐN tỉnh Bình Thuận chính là việc không ngừng nâng cao cơ sở vật chất, đầu tư thư viện với hơn 1000 đầu sách, ký túc xá với sức chứa hơn 500 HSSV, áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trang thiết bị hiện đại theo các chuyên ngành trong mọi chương trình đào tạo cũng như giảng dạy với hơn 100 máy tính nối mạng, 21 xưởng thực hành và phòng học chuyên môn hiện đại giúp HSSV vừa học vừa hành, dễ nắm bắt kiến thức.

Công tác văn thể mỹ cũng luôn được nhà trường chú trọng với 2 sân bóng đá mini, 1 sân bóng chuyền cùng các chương trình hoạt động ngoại khóa như hội trại 26/3, hiến máu tình nguyện, tư vấn nghề, về Trường Sa thân yêu, HSSV thanh lịch, thi lái xe an toàn, giải bóng đá mini, giao lưu tiếp xúc doanh nghiệp… với mong muốn 100% HSSV ra trường có việc làm, nhanh nhẹn trong mọi hoạt động. Theo đánh giá của các doanh nghiệp, HSSV tốt nghiệp ra trường đều làm việc hiệu quả, thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình và toàn tỉnh nói chung.

Với những kết quả đạt được, trong thời gian tới trường sẽ mở rộng và phát triển thành cơ sở nghiên cứu đa chức năng có uy tín trong nước.