Sứ mạng
Trường Đại học Giáo dục, ĐHQGHN là cơ sở giáo dục đại học đào tạo và nghiên cứu chất lượng cao và trình độ cao trong khoa học và công nghệ giáo dục, ứng dụng cho đào tạo giáo viên, cán bộ quản lý và các nhóm nhân lực khác trong lĩnh vực giáo dục.
Tầm nhìn 2035
Trở thành trường đại học định hướng nghiên cứu nằm trong tốp đầu của Việt nam về khoa học và công nghệ giáo dục, một số ngành đạt trình độ tiên tiến của châu Á.
Giá trị cốt lõi
Đạo đức, Chuyên nghiệp và Sáng tạo.
Khẩu hiệu hành động
Giáo dục vì ngày mai (Education for tomorrow)
Triết lý và mục tiêu giáo dục
Triết lý giáo dục của nhà trường là nhân bản và khai phóng, hướng đến mục tiêu giáo dục là đào tạo người học có nhân cách trưởng thành, vững kiến thức chuyên môn và kỹ năng nghề nghiệp, có tinh thần chuyên nghiệp, thái độ tận tâm và sự sáng tạo trong công việc.
1. Mục tiêu chung
Trở thành Trường Đại học định hướng nghiên cứu; uy tín trong lĩnh vực đào tạo và bồi dưỡng, nghiên cứu và chuyển giao KH-CN, đạt các tiêu chí cơ bản của ĐHNC tiên tiến ở VN và trong khu vực; trong đó có một số ngành, lĩnh vực đào tạo đạt trình độ tiên tiến châu Á, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Đào tạo, đảm bảo chất lượng
Tăng dần số chương trình đào tạo (CTĐT) cụ thể: đến năm 2020, đào tạo ĐH từ 8 CTĐT hiện nay lên 13 CTĐT, đào tạo Thạc sỹ từ 11 CTĐT hiện nay lên 16 CTĐT, đào tạo Tiến sỹ từ 3 CTĐT hiện nay lên 4 CTĐT; đến năm 2025, Nhà trường có 13 CTĐT ĐH, 19 CTĐT Thạc sỹ và 6 CTĐT Tiến sỹ; đào tạo ĐH không chính quy từ 1 CTĐT hiện nay lên 4 CTĐT.
Năm 2019 mở rộng thêm cấp Trung học cơ sở (THCS) cho Trường THPT Khoa học Giáo dục. Đến năm 2020, Nhà trường có ít nhất 1 CTĐT chất lượng cao, 1 CTĐT liên kết quốc tế; đến năm 2025, Nhà trường có 3 CTĐT chất lượng cao, 2 CTĐT liên kết quốc tế.
Đến 2025, tổng quy mô đào tạo hệ chính quy mỗi năm tăng trung bình khoảng 10% tùy theo chương trình đào tạo: quy mô đào tạo ĐH tăng từ 58% (1.200 SV) hiện nay lên 68% (3,400SV); quy mô đào tạo Thạc sỹ từ 38% (800HV) hiện nay giảm xuống 24%, quy mô đào tạo Tiến sỹ giữ vững ở mức 4%.
Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH ngoài ngành sư phạm tăng dần theo mỗi năm (tối thiểu 50 SV/năm). Quy mô đào tạo sư phạm gia tăng tập trung cho các lĩnh vực đào tạo giáo viên đáp ứng chương trình GD phổ thông mới. Năm 2020 quy mô đào tạo cấp THPT đạt 900 Học sinh; Năm 2019 tuyển sinh cấp THCS với chỉ tiêu 200 HS; phấn đấu mỗi năm tăng tối thiểu 20% chỉ tiêu tuyển sinh cho đến khi đạt mức 360 HS/năm.
Mỗi năm KĐCL ít nhất 2 CTĐT; đến năm 2025, 100% các CTĐT được kiểm định trong đó ít nhất 01 CTĐT được AUN kiểm định. Năm 2021, Trường ĐHGD kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục đại học chu kì 2 theo bộ tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT. Đến năm 2025, Trường THPT Khoa học Giáo dục được KĐCL đơn vị theo tiêu chuẩn của Bộ GD&ĐT và đến năm 2035, tỷ lệ SV có việc làm đúng nghề sau khi tốt nghiệp 1 năm đạt 100%.
2.2. Khoa học Công nghệ và Hợp tác phát triển
Hàng năm 100% GV có ít nhất 02 bài báo Khoa học, báo cáo trong nước và quốc tế. Từ năm 2018, mỗi GV trong 3 năm sẽ có 1 bài báo quốc tế thuộc hệ thống ISI và SCOPUS. Năm 2020, số bài báo trong nước của Trường đạt 200, số bài báo quốc tế thuộc hệ thống ISI và SCOPUS đạt 30; Năm 2025, số bài báo trong nước đạt 280, bài báo quốc tế thuộc hệ thống ISI và SCOPUS đạt ít nhất 45 bài.
Đến năm 2020, mỗi năm xuất bản ít nhất 5 cuốn sách chuyên khảo và tổ chức ít nhất 3 hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia/quốc tế. Sau năm 2020, mỗi năm xuất bản ít nhất 6 cuốn sách chuyên khảo, trong đó ít nhất 1 sách chuyên khảo bằng tiếng nước ngoài và tổ chức ít nhất 4 hội thảo, hội nghị khoa học quốc gia/quốc tế.
Đến năm 2020 hình thành ít nhất 3 nhóm nghiên cứu trong đó có 2 nhóm được công nhận là nhóm nghiên cứu mạnh cấp ĐHQGHN. Đến năm 2025, Nhà trường có 3 nhóm nghiên cứu mạnh được công nhận cấp ĐHQGHN.
Gia tăng hợp tác trong nước và quốc tế trong nghiên cứu, số chương trình, đề tài, dự án nghiên cứu trong nước tăng gấp rưỡi hiện nay vào năm 2020 và gấp đôi vào năm 2025. Sau năm 2020, mỗi năm có ít nhất 1 nghiên cứu được chuyển giao, 1 phát minh, sáng chế, giải pháp hữu ích được đăng ký.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, mỗi năm tăng ít nhất 10% số lượt SV, CB của Trường trao đổi học tập, hợp tác nghiên cứu và SV nước ngoài, cán bộ khoa học (CBKH) đến hoc tập, hợp tác nghiên cứu tại Trường.