Hoạt động của Viện KH&KTHN sau khi kiện toàn sẽ chuyển dần từ đơn vị sự nghiệp một phần có thu như hiện nay sang chủ yếu làm nhiệm vụ do Nhà nước giao về nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu xây dựng tiềm lực và hỗ trợ kỹ thuật cho chương trình ứng dụng năng lượng nguyên tử ở Việt Nam.
Các hướng nghiên cứu cụ thể như sau:
* Công nghệ điện hạt nhân:
- Nghiên cứu lựa chon công nghệ và xác định các đặc trưng kỹ thuật chủ yếu cho NMĐHN đầu tiên của Việt Nam. Nghiên cứu các loại công nghệ mới của nhà máy điện hạt nhân trên thế giới (thế hệ 4, lò công suất trung bình và nhỏ, lò khí nhiệt độ cao) để chuẩn bị cho chương trình phát triển dài hạn về điện hạt nhân ở Việt Nam.
- Nghiên cứu tiếp thu và làm chủ công nghệ, bao gồm: vật lý hạt nhân và số liệu hạt nhân, vật lý nơtron và động học lò, che chắn bức xạ, thiết kế và kỹ thuật lò phản ứng, an toàn lò phản ứng, vận hành và bảo dưỡng lò phản ứng, hệ thống cung cấp hơi hạt nhân (NSSS), BOP, hệ thống kiểm soát và điều khiển (I&C), thiết kế hệ thống nhà máy điện hạt nhân, đo đạc và bảo vệ bức xạ, vật lý y học, kho học vật liệu , phát triển công cụ tính toán, chuẩn bị năng lực R&D hỗ trợ công nghiệp trong nước phục vụ cho chương trình chế tạo thiết bị NMĐHN.
* An toàn hạt nhân:
Nghiên cứu xây dựng năng lực hỗ trợ kỹ thuật về an toàn hạt nhân, bao gồm: nghiên cứu về nhiệt động học, đánh giá an toàn động đất, các cấu trúc và thành phần của nhà máy điện hạt nhân, phân tích an toàn hạt nhân theo phương pháp tất định và phương pháp xác xuất (PSA), kỹ thuật thẩm định an toàn cho các công trình hạt nhân, kỹ thuật đánh giá tác động môi trường các dự án điện hạt nhân.
* Kỹ thuật ứng phó và xử lý sự cố bức xạ và hạt nhân:
Nghiên cứu xây dựng năng lực hỗ trợ kỹ thuật ứng phó và xử lý sự cố cho từng tình huống và nguồn bức xạ, bao gồm: Sự số lò phản ứng nghiên cứu; Sự cố cơ sở chiếu xạ dùng nguồn Co-60; Sự cố cơ sở xạ hình công nghiệp; Sự cố cơ sở sản xuất đồng vị và dược chất phóng xạ; Sự cố cơ sở xạ trị; Sự cố cơ sở y học hạt nhân; Sự cố máy gia tốc cyclotron; Sự cố với các nguồn phóng xạ khác; Sự cố trong vận chuyển chất phóng xạ và chế biến quặng phóng xạ và sự cố nhà máy điện hạt nhân.
* Đo lường bức xạ và hạt nhân:
Nghiên cứu các phương pháp chuẩn đo lường bức xạ bao gồm: Chuẩn hoạt độ nguồn phóng xạ: anpha, beta, gamma, tia X và nơtron; Chuẩn cường độ chùm tia bức xạ: anpha, điện tử, gamma, tia X, nơtron, proton, deutron; Chuẩn liều bức xạ: anpha, beta , gamma, tia X, nơtron, proton, deutron; Chuẩn thiết bị bức xạ: máy gia tốc chùm điện tử, máy phát nơtron, máy phát tia X, máy gia tốc cyclotron, máy xạ trị Co-60, máy xạ trị LINAC; Chuẩn thiết bị đo liều bức xạ: liều cá nhân, serveymetter, thiết bị cảnh báo liều khu vực; Chuẩn nồng độ phóng xạ: mẫu lỏng, rắn, mấu môi trường, mấu sinh học, mẫu địa chất.
* Quan trắc phóng xạ môi trường:
- Thiết lập và vận hành mạng quan trắc cảnh báo phóng xạ môi trường trong khuôn khổ mạng lưới quốc gia.
- Nghiên cứu phát triển các công nghệ phân tích phóng xạ trong các loại mẫu môi trường nước, mẫu môi trường khí, mẫu môi trường đất, mẫu sinh vật chỉ thị; Công nghệ phân tích đánh giá hiện trạng phóng xạ môi trường; Công nghệ đánh giá tác động môi trường phóng xạ của các cơ sở hạt nhân; Công nghệ quan trắc phóng xạ trong trường hợp sự cố bức xạ và sự cố hạt nhân.
* An toàn bức xạ:
- Thực hiện các dịch vụ kỹ thuật về đo liều chiếu ngoài, liều chiếu trong, liều điều trị và tập huấn kiến thức cơ bản về an toàn về an toàn bức xạ cho các cơ sở bức xạ, cơ sở hạt nhân và cho các nhân viên tiến hành công việc bức xạ trong cả nước theo nhu cầu.
- Tư vấn, thiết kế về ATBX cho các cơ sở bức xạ trong Y tế, nghiên cứu và các cơ sở hạt nhân; Kiểm tra và đánh giá ATBX đối với các cơ sở bức xạ.
- Nghiên cứu phát triển và chuyển giao các công nghệ mới trong lĩnh vực đo liều bức xạ vào Việt Nam.
* Nghiên cứu cơ bản về hạt nhân:
Thực hiện các nghiên cứu cơ bản về lý thuyết và thực nghiệm vật lý hạt nhân; Lý thuyết trường; Phản ứng hạt nhân; Vật lý tia vũ trụ; Các phương pháp tính toán, mô phỏng phục vụ nghiên cứu cơ bản và ứng dụng bức xạ vật lý; Vật lý nơtron và ứng dụng bức xạ nơtron.