Sau hơn 75 năm hình thành và phát triển, ngày nay Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là một trong những trường đại học công lập lớn nhất của nước ta trong lĩnh vực y tế.
ĐỘI NGŨ GIẢNG VIÊN VÀ VIÊN CHỨC, NGƯỜI LAO ĐỘNG
Đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học, hiện đã và đang phát huy vai trò đầu ngành về chuyên môn, có ảnh hưởng không chỉ trong phạm vi của nhà trường mà còn trong nhiều cơ sở y tế khác.
Đội ngũ giảng viên có trình độ từ thạc sĩ trở lên có tỉ lệ khoảng 98%, trong đó các giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ có tỉ lệ 37%.
Trước năm 1976: 456 giảng viên và nhân viên
Năm 2022: khoảng 2.325 giảng viên và cán bộ nhân viên (trong đó có 928 giảng viên với 14 giáo sư, 97 phó giáo sư, 235 tiến sĩ, 494 thạc sĩ, 53 bác sĩ chuyên khoa cấp II, 17 bác sĩ chuyên khoa cấp I... )
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Hiện nay, Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh là cơ sở đào tạo có quy mô lớn và có truyền thống của ngành y tế. Từ chỉ có 3 ngành y, dược, nha, hiện nay trường đã phát triển thêm tất cả các ngành thuộc nhóm ngành khoa học sức khoẻ như bác sĩ đa khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bác sĩ răng hàm mặt, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ, các cử nhân ngành điều dưỡng, ngành hộ sinh, kỹ thuật y học, cử nhân y tế công cộng, với hàng chục chương trình bậc đại học, hàng trăm chương trình sau đại học (tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II, nội trú).
+ Bậc đào tạo đại học với 14 ngành chính quy như sau: Bác sĩ y đa khoa, Bác sĩ y học dự phòng, Bác sĩ y học cổ truyền, Bác sĩ Răng Hàm Mặt, Dược sĩ, Cử nhân y tế công cộng, Cử nhân điều dưỡng, Cử nhân xét nghiệm, Cử nhân vật lý trị liệu, Cử nhân kỹ thuật hình ảnh, Cử nhân phục hình răng, Cử nhân hộ sinh, Cử nhân gây mê hồi sức, Cử nhân dinh dưỡng.
+ Bậc đào tạo sau đại học với 162 chuyên ngành thuộc các loại hình đào tạo gồm: Nội trú (28 chuyên ngành), Chuyên khoa cấp I (42 chuyên ngành), Chuyên khoa cấp II (47 chuyên ngành), Thạc sĩ (24 chuyên ngành), và Tiến sĩ (21 chuyên ngành).
Các sinh viên đại học và học viên sau đại học của Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh sau khi tốt nghiệp đã trở thành nhân lực chủ yếu, các hạt nhân ở các cơ sở y tế, đã và đang đảm nhiệm các vị trí quan trọng trong quản lý và chuyên môn của ngành y tế ở các tỉnh, thành phố phía nam, là lực lượng rất lớn đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế, nâng cao chất lượng phục vụ, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Trước năm 1976: khoảng 2.380 sinh viên tốt nghiệp đại học.
Từ năm 1976 đến nay: có 56.311 sinh viên tốt nghiệp đại học (trong đó: bác sĩ y đa khoa: 22.165, dược sĩ: 13.762, bác sĩ y học cổ truyền: 3.466, bác sĩ Răng Hàm Mặt: 4.113, bác sĩ y học dự phòng: 807, cử nhân các ngành: 11.998). Có 32.859 học viên tốt nghiệp sau đại học (chuyên khoa cấp I: 19.017, chuyên khoa cấp II: 3.490, Tiến sĩ: 712, Thạc sĩ: 7.601, Bác sĩ nội trú: 2.039).
Quy mô đào tạo hiện nay khoảng 15.000 sinh viên quy đổi/năm.