Quá trình phát triển
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam được thành lập năm 1956, tiền thân là Trường Âm nhạc Việt Nam. Năm 1982, đổi tên thành Nhạc viện Hà Nội. Năm 2008 được Chính phủ đổi tên thành Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam.
Sứ mệnh
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam là cơ sở đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp hàng đầu cả nước; tham gia vào việc định hướng, giáo dục nhằm nâng cao đời sống âm nhạc cho toàn xã hội; góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tầm nhìn
Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam trở thành trung tâm đào tạo âm nhạc có uy tín trong khu vực, đủ năng lực để hội nhập Quốc tế.
Học viện đào tạo các cấp học từ trung cấp đếm hệ nghiên cứu sinh (Tiến sĩ) với tổng số gần 1.500 sinh viên trong gần 40 chuyên ngành âm nhạc. Đội ngũ giảng dạy với hơn 200 giảng viên, trong đó có 19 Giáo sư, Phó giáo sư, 14 tiến sĩ, 3 nhà giáo nhân dân, 26 nhà giáo ưu tú, 8 nghệ sĩ nhân dân, 28 nghệ sĩ ưu tú là những người đầu ngành về âm nhạc, có uy tín và kinh nghiệm nhất trong các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp ở Việt Nam.
Nhiều học sinh ngoại quốc như: Lào, Thụy Điển, Hàn Quốc, Nhật đang theo học tại Học viện theo các khoá học khác nhau. Học viện đã được phép đào tạo liên kết sau đại học với Úc và là cơ sở âm nhạc duy nhất trong cả nước đào tạo tiến sĩ âm nhạc. Trong hơn 50 năm qua, Học viện đào tạo hầu hết các nghệ sĩ biểu diễn, các giảng viên âm nhạc, các nhà phê bình, sáng tác, chỉ huy, lý luận âm nhạc của Việt Nam, trong số đó có nhiều người đã giành giải cao tại các cuộc thi âm nhạc trong và ngoài nước. Học viện thường xuyên cử các Giáo sư, giảng viên đến công tác giảng dạy tại các Nhạc viện khác trong nước và quốc tế.
Học viện thường xuyên có quan hệ cộng tác với hơn 60 các tổ chức âm nhạc và Nhạc viện có tên tuổi trên thế giới tại châu Âu, châu Á, châu Mỹ... Đặc biệt là Nhạc viện Quốc gia Moskva mang tên Tchaikovsky, Nhạc viện Quốc gia Paris (Pháp), Nhạc viện Trung Quốc (Bắc Kinh), Nhạc viện Thượng Hải, khoa âm nhạc thuộc Trường Đại học Tổng hợp Queensland (Úc), Học viện Malmo (Thụy Điển), Viện Nghệ thuật biểu diễn Hông Kông (APA), Dàn nhạc trẻ châu Á (AYO), Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á, Dàn nhạc Nagoya, các tổ chức âm nhạc quốc tế như CIM, CIMF, FIJM, JOC, ICTM… Học viện là thành viên của Hiệp hội các trường Đại học châu Âu và Đông Nam Á.
Hàng năm, nhiều giáo sư, nghệ sĩ, dàn nhạc thính phòng và giao hưởng nổi tiếng của Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Đức, Nga, Thụy Điển, Nhật… đã sang giảng dạy và biểu diễn tại Học viện. Nhiều nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên của Học viện đã được mời đi biểu diễn ở các nước như Liên Xô và Đông Âu cũ, Pháp, Anh, Bỉ, Hà Lan, Đức, Italia, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore… Thông qua các cuộc thi tuyển, Học viện thường xuyên cử học sinh, sinh viên tham gia biểu diễn cùng với các Dàn nhạc giao hưởng nước ngoài: Dàn nhạc giao hưởng châu Á, Dàn nhạc trẻ châu Á, Liên hoan Âm nhạc châu Á – Thái Bình Dương (Nhật Bản), Dàn nhạc trẻ Đông Nam Á (Thái Lan), Dàn nhạc Thế kỷ XXI (Nhật Bản)…
Học viện với đội ngũ giáo sư, giảng viên, nghệ sĩ đầu ngành và các sinh viên xuất sắc đã đóng vai trò là nghệ sĩ độc tấu chủ chốt trong các chương trình biểu diễn âm nhạc quan trọng của cả nước. Hàng năm, Dàn nhạc giao hưởng Hà Nội, Dàn nhạc thính phòng, dàn Hợp xướng, Dàn nhạc Dân tộc Việt Nam với hàng trăm buổi biểu diễn