Trải qua quá trình xây dựng và phát triển, Nhà trường đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh có chuyên môn cao, tay nghề vững vàng, đáp ứng tốt nhu cầu của thị trường lao động.

Hiện tại, Nhà trường đào tạo ở 4 cấp trình độ là Cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp và sơ cấp nghề cho các ngành nghề:

- Khai thác hàng hải thuỷ sản;

- Chế biến và bảo quản thuỷ sản;

- Chế biến thực phẩm;

- Sửa chữa máy tàu thuỷ;

- Khai thác máy tàu thuỷ;

- Công nghệ chế tạo vỏ tàu thuỷ;

- Kỹ thuật máy lạnh và điều hoà không khí;

- Điện công nghiệp;

- Công nghệ Hàn;

- Công nghệ thông tin;

- Sửa chữa, lắp ráp máy vi tính;

- Kế toán doanh nghiệp;

- Quản trị doanh nghiệp;

Ngoài ra, Nhà trường còn đào tạo, bồi dưỡng để cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng tàu cá các hạng và chứng chỉ thuyền viên, thợ máy tàu cá.

Trường Cao đẳng nghề Công nghệ, kinh tế và Thuỷ sản có một khuôn viên lý tưởng gồm 2 cơ sở đào tạo rộng khoảng 7 ha với một cơ ngơi bề thế gồm hệ thống các phòng học lý thuyết; phòng thí nghiệm, thực hành; xưởng thực hành, thực tập; thư viện, bể bơi, sân thể thao; ký túc xá học sinh-sinh viên, nhà ăn tập thể... được trang bị các thiết bị hiện đại, đồng bộ đáp ứng tốt nhu cầu ăn, ở, học tập, rèn luyện cho học sinh-sinh viên trong toàn trường.

Đội ngũ giáo viên của trường có trình độ chuyên môn, tay nghề cao và đầy nhiệt huyết, kết hợp với việc Nhà trường thường xuyên đổi mới phương pháp đào tạo, áp dụng các phương pháp dạy học tiên tiến nên chất lượng đào tạo ngày càng được nâng cao.

Ngoài đào tạo, với năng lực về trang thiết bị và đội ngũ chuyên gia, giáo viên thực hành giỏi, Nhà trường đã ký kết và thực hiện các hợp đồng kinh tế, kết hợp đào tạo với lao động sản xuất làm ra các sản phẩm, nâng cao tay nghề cho học sinh-sinh viên. Bên cạnh đó, Nhà trường còn tham gia nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Với một bề dày xây dựng và phát triển, Nhà trường đã vinh dự được Nhà nước trao tặng 04 Huân chương lao động các hạng; 04 danh hiệu Nhà giáo ưu tú; nhiều Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; nhiều bằng khen, cờ thi đua xuất sắc của các bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2009-2015 và tầm nhìn đến năm 2020. Theo đó, giai đoạn 2016-2020, Nhà trường sẽ phấn đấu trở thành trường đại học công nghệ. Cánh cửa của trường luôn rộng mở để chào đón, hợp tác với các công ty, doanh nghiệp và các em học sinh, sinh viên trên các lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu khoa học và sản xuất.

Nhà trường luôn là địa chỉ đáng tin cậy trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế của đất nước.

Mục tiêu và nhiệm vụ phát triển của nhà trường

1.1 Về đào tạo và xây dựng đội ngũ

    Chương trình đào tạo theo diện rộng, đa ngành, đa cấp. Thực hiện chương trình đào tạo liên thông. Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập, nâng cao tính chủ động của người học. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý đủ về số lượng, đảm bảo đạt chuẩn và tiêu chuẩn, nâng cao tỷ lệ giáo viên có trình độ Thạc sỹ, Tiến sỹ. Chú trọng xây dựng các ngành, nghề trọng tâm.

- Cao đẳng Nghề: Đào tạo 04 nghề; mở mới 06 nghề: Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ; Khai thác thủy sản; Hàn; Kế toán doanh nghiệp; Điều khiển tảu biển; Quản trị mạng máy tính.

- Trung cấp Nghề: Đào tạo 06 nghề: Vận hành và sửa chữa máy tàu thủy, Điện Điện công nghiệp, Hàn, Chế biến và Bảo quản Thủy sản, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Thủy thủ tàu biến đánh cá; mở mới 02 nghề: Kế toán doanh nghiệp, Nuôi trồng thủy sản mặn, lợ.

- Trung cấp chuyên nghiệp: Đào tạo 05 ngành: Chế biến và Bảo quản Thủy sản, Điện lạnh, Đóng vỏ tàu thủy, Khai thác - Hàng hải thủy sản, Vận hành và sửa chữa máy tàu thủy.

- Đào tạo liên thông: Liên thông dọc theo các nghề và liên thông ngang theo ngành học.

- Đào tạo nghề cho ngư dân.

- Thời gian đào tạo:

 + Cao đẳng nghề: 3 năm (đối với người học có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương); từ 1 đến 2 năm (đối với người học có bằng tốt nghiệp trung cấp nghề cùng ngành nghề đào tạo).

 + Trung cấp nghề: 2 năm ( đối với người có bằng tốt nghiệp THPT hoặc tương đương); 3 năm (đối với người có bằng tốt nghiệp THCS).

 + Sơ cấp nghề: Từ 3 đến 6 tháng

- Đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tăng phần tự học và thảo luận theo nhóm; tăng cường thực hành, thực tập có giáo viên kèm cặp tại cơ sở sản xuất với phương châm: nhà trường, nhà giáo, nhà doanh nghiệp cùng liên kết đào tạo nguồn nhân lực.

- Quy mô đào tạo:

 + Cao đẳng nghề: 250 - 600

 + Học sinh trung cấp nghề: 500

 + Liên thông từ Trung cấp nghề lên Cao đẳng nghề: 200\

 + Trung cấp chuyên nghiệp: 300

- Đội ngũ giáo viên: Đạt chuẩn 100% và phấn đấu vượt chuẩn; giáo viên trình độ Thạc sỹ 25 người, Tiến sỹ 05 người.

- Cán bộ quản lý đạt tỷ lệ theo quy định chung.