Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore (tên giao dịch quốc tế: Vietnam – Singapore Vocational College) có tiền thân là Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Việt Nam – Singapore, được thành lập từ năm 1997 theo Dự án hợp tác đào tạo giữa hai Chính phủ Việt Nam và Singapore với sự phân công hợp tác như sau:

- Chính phủ Việt Nam: chịu trách nhiệm về hạ tầng cơ sở, tuyển dụng đội ngũ nhân sự, cung cấp kinh phí hoạt động thường xuyên,…

- Chính phủ Singapore: Cung cấp Chương trình đào tạo và máy móc thiết bị, tổ chức đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên tại Singapore, cử các chuyên gia có kinh nghiệm cùng quản lý điều hành hoạt động.

- Khu Công nghiệp Việt Nam – Singapore: Hỗ trợ các chi phí phục vụ công tác quản lý của các chuyên gia bạn, trang bị văn phòng, bố trí học sinh tốt nghiệp.

Trong quá trình thực hiện dự án, Trung tâm Đào tạo Kỹ thuật Việt Nam – Singapore đã khẳng định được nhiều uy tín trong lĩnh vực đào tạo nghề, được các doanh nghiệp quốc tế đánh giá rất cao về chất lượng chuyên môn cũng như tác phong làm việc của học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường. Đến khi dự án kết thúc vào cuối năm 2005, Trung tâm đã đào tạo được trên 2.000 lao động có tay nghề kỹ thuật cao cung cấp cho các khu công nghiệp phía Nam.

- Sau khi được bàn giao hoàn toàn vào đầu năm 2006, Trung tâm được mở rộng về lĩnh vực chuyên môn cũng như cơ sở vật chất trên cơ sở sáp nhập với Trường Kỹ nghệ Bình Dương (hiện nay là Trụ sở chính của trường) và đổ tên thành Trường Kỹ thuật Việt Nam - Singapore. Nhà trường tiếp tục được đầu tư nhiều máy móc, trang thiết bị giảng dạy hiện đại để nâng cao năng lực đào tạo với khả năng tiếp nhận khoảng 1.700 học sinh chính quy hàng năm. Đến tháng 01 năm 2008, trường được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội nâng cấp thành Trường Cao đẳng nghề Việt Nam – Singapore theo Quyết định số 257/QĐ-BLĐTBXH, trường trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và được Sở Lao động – TBXH trực tiếp quản lý về chuyên môn đào tạo nghề theo đúng quy định.

* Nhiệm vụ chuyên môn của trường gồm:

- Tổ chức đào tạo nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ ở các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề và sơ cấp nghề nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khỏe, đạo đức lương tâm nghề nghiệp, ý thức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho người học tốt nghiệp có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

 - Tổ chức xây dựng, duyệt và thực hiện các chương trình, giáo trình, học liệu dạy nghề đối với các ngành nghề được phép đào tạo. Tổ chức nghiên cứu khoa học, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển giao công nghệ; thực hiện sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khoa học, kỹ thuật theo quy định của pháp luật.

 - Tư vấn học nghề, tư vấn việc làm miễm phí cho người học nghề. Tổ chức cho người học tham quan, thực tập tại doanh nghiệp. Đưa nội dung giảng dạy về ngôn ngữ, phong tục tập quán, pháp luật có liên quan của nước mà người lao động đến làm việc và pháp luật có liên quan của Việt Nam vào chương trình dạy nghề khi tổ chức dạy nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.