Trường Cao đẳng Kiên Giang ngày càng khẳng định vị thế của mình trong hệ thống giáo dục nói riêng và trong tỉnh nhà nói chung. Theo thời gian, trường được sáp nhập giữa các trường và được nâng cấp vì vậy trường được đổi tên và mang nhiều tên khác nhau, chúng ta hãy tự hào nhìn nhận lại quá trình hình thành và phát triển của trường từ ngày thành lập đến nay:
· Trường Cao đẳng Kiên Giang tiền thân là trường Trung học Kỹ thuật Kiên Giang, được khởi công xây dựng từ năm 1964 trên lô đất rộng 3 ha nằm dọc đường Liên tỉnh số 8, Rạch Giá - Hà Tiên (nay là đường Mạc Cửu, Vĩnh Thanh, Rạch Giá) và trường được thành lập năm 1965 theo Nghị định số 1110/GD/PC/NĐ ngày 30/7/1965 của Bộ Văn hóa - Giáo dục. Trường hoàn thành và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 4/1966, với 4 nghề: điện, mộc, cơ khí, cắt may; tổng số học sinh: 102.
· Sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tháng 3/1976 Thủ tướng Chính phủ có quyết định số 101-TTg ngày 6/3/1976, giao trường cho Bộ Hải sản quản lý với tên gọi là trường Trung học Kỹ thuật Rạch Giá. Sau 3 tháng, tháng 9/1976 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định số 354-TTg giao trường Trung học Kỹ thuật Rạch Giá lại cho UBND tỉnh KG quản lý để tiếp tục đào tạo công nhân kỹ thuật đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế địa phương. Ngoài ra, còn có nhiệm vụ hướng dẫn học sinh cấp III phổ thông ở địa phương học tập kỹ thuật theo chương trình của Bộ Giáo dục.
· Năm 1977, UBND tỉnh ban hành quyết định số 08 ngày 11/01/1977 giao trường Trung học Kỹ thuật Kiên Giang cho Ty Công nghiệp (nay là Sở Công thương Kiên Giang) quản lý, đồng thời đổi tên trường thành trường Công nhân Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang, với nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật công nghiệp cho tỉnh.
· Ngày 21/3/1988, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 205/QĐ-UB về việc đổi tên trường Công nhân Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang với tên gọi mới của trường là Trường Công nhân Kỹ thuật Cơ điện.
· Năm 1989, theo Quyết định số 479/QĐ-UB ngày 13/6/1989 của UBND tỉnh Kiên Giang, ba trường Giao thông Vận tải, Công nhân Kỹ thuật Xây dựng và Công nhân Kỹ thuật Cơ điện đã được sát nhập thành một với tên gọi trường Công nhân Kỹ thuật tỉnh Kiên Giang, chức năng là đào tạo các ngành nghề kỹ thuật: cơ khí, xây dựng, lái xe.
· Năm 1995, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành quyết định số 1360/QĐ-UB chuyển trường Công nhân Kỹ thuật thuộc Sở Công nghiệp về trực thuộc Sở Giáo dục và Đào tạo từ ngày 01/01/1996. Diện tích nhà trường lúc này là 23.326 m2. Bộ máy tổ chức gồm BGH; 3 phòng; 7 tổ, ban nghề, có 61 CB.GV và đào tạo 4 hệ: CNKT, trung học nghề, lái xe, BTVH với 1.044 học sinh.
· Năm 1997, UBND tỉnh Kiên Giang có quyết định số 373/QĐ-UB về việc nâng cấp trường Công nhân Kỹ thuật Kiên Giang thành trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang, với nhiệm vụ là đào tạo các hệ THCN, trung học nghề và CNKT. Ngoài các ngành truyền thống của trường là ngành Kỹ thuật, trường đào tạo thêm ngành Kinh tế, đã thu hút một số lớn học viên nữ theo học và góp phần đáp ứng nguồn nhân lực cho tỉnh nhà trong lĩnh vực kinh tế - tài chính.
· Ngày 28/2/1998, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 393/QĐ-UB về việc xếp hạng I đối với trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang và tháng 11/1998, Sở Giáo dục & Đào tạo làm thủ tục chuyển giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đào tạo nghề của trường về cho Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (theo Quyết định số 67/1998/QĐ-TTg ngày 26/3/1998 của Thủ tướng Chính phủ). Tuy chuyển giao nhưng trường vẫn tiếp tục đào tạo hệ CNKT.
· Ngày 16/3/2006, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quyết định số 2951/QĐ-BGD&ĐT về việc thành lập trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang trên cơ sở trường Trung học Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang. Trường có nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng học sinh – sinh viên có trình độ cao đẳng và thấp hơn; thực hiện nghiên cứu khoa học phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.
· Năm 2018, theo Quyết định số 1523/QĐ-LĐTBXH ngày 27/9/2017 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc sáp nhập Trường Cao đẳng Cộng đồng vào Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Kiên Giang và được đổi tên thành Trường Cao đẳng Kiên Giang, ông Nguyễn Minh Quân được bổ nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường từ tháng 8/2018.
Trường Cao đẳng Kiên Giang hiện nay có nhiều cơ sở phục vụ đào tạo đặt tại TP.Rạch Giá (số 425 đường Mạc Cửu, phường Vĩnh Thanh và 217 đường Chu Văn An, phường An Hòa), huyện Hòn Đất, huyện Châu Thành - tỉnh Kiên Giang và ký túc xá 1.000 chỗ (tại đường Lê Thị Hồng Gấm, phường Vĩnh Thanh, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang và số 11 Tô Hiến Thành, phường An Hòa, thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang)
Trường Cao đẳng Kiên Giang là đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập trực thuộc UBND tỉnh Kiên Giang, chịu sự quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Trường có chức năng đào tạo đa ngành, đa cấp, đa hệ. Trường được cấp bằng trình độ từ cao đẳng trở xuống, phù hợp với cơ cấu ngành nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu học tập đa dạng ở địa phương. Bên cạnh đó, trường còn có chức năng liên kết với các trường đại học, cao đẳng khác để đào tạo các chuyên ngành đang thiếu nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cần thiết cho địa phương đúng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Sứ mệnh: Là một cơ sở giáo dục bậc cao đẳng có nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng trên các lĩnh vực kỹ thuật công nghệ và kinh tế cho tỉnh nhà. Tạo cơ hội tốt cho thanh niên trong vùng được học tập và rèn luyện trong một môi trường năng động, thân thiện với những kiến thức cơ bản, thiết thực và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng; sẵn sàng tham gia vào các hoạt động sản xuất kinh doanh bằng sự tự tin và sáng tạo, tạo lập giá trị cho bản thân với tinh thần làm chủ, góp phần vào việc phát triển bền vững, mang lại sự thịnh vượng cho gia đình, địa phương và cộng đồng.
Tầm nhìn: Xây dựng nhà trường trở thành một trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ có chất lượng, uy tín trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Cung cấp cho xã hội những công dân ưu tú, có phẩm chất, nhân cách tốt đẹp, có tinh thần kỷ luật, có kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp vững vàng. Là nơi đáp ứng nhu cầu đào tạo lao động cho doanh nghiệp và góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho địa phương. Nơi gắn kết giữa nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao Khoa học công nghệ vào sản xuất kinh doanh.