Tháng 8 năm 1964 cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ lan rộng ra toàn miền Bắc Việt Nam. Để tiếp tục duy trì công tác đào tạo trong hoàn cảnh có chiến tranh, tháng 9 năm 1965, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, trong đó có Khoa Mỏ - Địa chất, đã sơ tán lên vùng núi tỉnh Lạng Sơn. Tại đây, thầy và trò đã xây dựng lớp học, phòng thí nghiệm, xưởng thực tập, nhà ở tiếp tục công việc giảng dạy và học tập, bất chấp bom đạn hiểm nguy và những thiếu thốn, khó khăn của cuộc sống.

Do nhu cầu cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam ngày càng lớn, theo chủ trương của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp (nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo), tháng 4 năm 1966 Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ra quyết định thành lập Ban trù bị chuẩn bị thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất do Giáo sư Nguyễn Văn Chiển làm Trưởng ban. Sau đó, do điều kiện công tác Giáo sư Nguyễn Văn Chiển được điều động sang trường Đại học Tổng hợp và đồng chí Đặng Xuân Đỉnh được cử làm Trưởng ban. Tháng 6 năm1966 mọi công việc của Ban trù bị đã hoàn tất. Ngày 8 tháng 8 năm1966 Thủ tướng Chính phủ ra quyết định số 147/QĐ-CP thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất trên cơ sở Khoa Mỏ - Địa chất của trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ngày 31 tháng 8 năm 1966 tại làng Bút Tháp thuộc xã Đình Tổ - Thuận Thành - Hà Bắc đồng chí Đặng Xuân Đỉnh thay mặt Ban trù bị tổ chức cuộc họp công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Trường Đại học Mỏ - Địa chất. Ngày 15 tháng 11 năm 1966 Trường Đại học Mỏ - Địa chất chính thức khai giảng khóa học đầu tiên. Kể từ thời điểm đó, ngày 15 tháng11 hàng năm được lấy làm Ngày Truyền thống của Trường.

Ra đời trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, ngay từ lúc mới thành lập, Nhà trường phải hoạt động phân tán trên địa bàn rộng thuộc các thôn, xã của hai huyện Thuận Thành (Hà Bắc) và Mỹ Văn (Hải Hưng). Năm đầu thành lập Trường có 4 Khoa và 2 Ban: Khoa Mỏ, Khoa Địa chất thăm dò, Khoa Địa chất Công trình, Khoa Trắc địa, Ban Khoa học cơ bản và Ban Tại chức với 11 Bộ môn chuyên môn và 6 Bộ môn cơ bản và cơ sở. Tại địa điểm sơ tán Nhà trường đã tuyển sinh khoá đầu tiên (lúc bấy giờ là khóa 11 của Đại học Bách khoa) gồm 623 sinh viên hệ dài hạn và 77 sinh viên hệ chuyên tu. Mọi cơ sở vật chất phục vụ cho giảng dạy và học tập của Nhà trường chủ yếu nhờ vào sự giúp đỡ tận tình của chính quyền, nhân dân địa phương nơi sơ tán và dựa vào công sức lao động của thầy và trò. Để có đội ngũ cán bộ giảng dạy bảo đảm thắng lợi nhiệm vụ chính của trường, bên cạnh các thầy, cô giáo với số lượng ít ỏi từ Khoa Mỏ - Địa chất của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chuyển sang, Nhà trường đã mạnh dạn tuyển hàng trăm kỹ sư mới tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước và nước ngoài để bồi dưỡng thành cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý.

Thực hiện chỉ thị số 222/CT-TTg ngày 7/8/1970 của Thủ tướng Chính phủ, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những đơn vị đầu tiên đưa sinh viên xuống các cơ sở sản xuất vừa học vừa làm gắn với vùng công nghiệp than Quảng Ninh, các đoàn Địa chất và Trắc địa Bản đồ trên khắp mọi miền đất nước.

Trong giai đoạn này, bên cạnh công tác đào tạo Nhà trường đã tổ chức thực hiện tốt nghị quyết 124/QN-TW ngày 24/6/1966 của Trung ương Đảng về công tác nghiên cứu khoa học trong các trường đại học. Trong những năm 1966 - 1967 thầy giáo và sinh viên của trường đã hoàn thành 10 đề tài cấp Nhà nước và cấp Bộ, 52 đề tài cấp Trường và hàng trăm hợp đồng phục vụ sản xuất. Nhiều đề tài phục vụ sản xuất và chiến đấu đã được thầy và trò thực hiện thành công trong những điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Trong đó, tiêu biểu là các công trình: Công trình H8 (sân bay ngầm) do thầy và trò Khoa Mỏ cùng công binh Bộ Quốc phòng thực hiện thành công, được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công Hạng 3; thầy giáo và sinh viên Khoa Cơ - Điện tham gia nghiên cứu chế tạo thiết bị thông nòng pháo; thầy giáo và sinh viên Khoa Trắc địa thực hiện công trình đo vẽ bản đồ địa hình cho các tỉnh Hà Bắc, Bắc Thái, Lai Châu... phục vụ kịp thời cho sản xuất và chiến đấu. Những thành tích nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất của Nhà trường trong giai đoạn này đã được Chính phủ tặng Huân chương Chiến công, các địa phương đánh giá cao và tặng thưởng nhiều Bằng khen.

Năm 1971 khi nhiều tỉnh miền Bắc bị lũ lụt lớn, cán bộ công chức và sinh viên Nhà trường đã ra sức cùng nhân dân các địa phương nơi sơ tán phòng chống lũ lụt. Tháng 10 năm 1971 Nhà trường quyết định chuyển toàn bộ Khoa Trắc địa lên Sông Công (Bắc Thái) và thành lập Ban kiến thiết chuẩn bị cơ sở cho việc chuyển trường về địa điểm mới: thuộc Huyện Phổ Yên, tỉnh Bắc Thái.

Đầu năm 1974 Đảng ủy, Ban Giám hiệu quyết định chuyển toàn bộ cơ sở của trường từ Thuận Thành - Hà Bắc lên Phổ Yên - Bắc Thái mở đầu một thời kỳ mới trong quá trình xây dựng và phát triển của trường. Tại đây thầy và trò lại một lần nữa phát huy tinh thần tự lực, tự cường bắt tay vào việc xây dựng lớp học, phòng thí nghiệm, hội trường, nhà ăn, ký túc xá sinh viên và khu tập thể cán bộ công chức.

Mặc dù cuộc sống hết sức khó khăn, thiếu lương thực, thực phẩm, thiếu điện, thiếu nước... nhưng với sự nỗ lực vượt bậc trong một thời gian ngắn, Nhà trường đã xây dựng được 19.500 m2 nhà cấp 4 trên một diện tích rộng hàng chục héc ta đủ đảm bảo các hoạt động giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và sinh hoạt cho cán bộ, công chức, sinh viên của trường.

Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, bên cạnh việc duy trì công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học, Nhà trường đã động viên thầy giáo và sinh viên hăng hái lên đường tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu tại các chiến trường trong cả nước. Những năm 1972 - 1973 đã có 1050 thầy giáo và sinh viên của Nhà trường lên đường tham gia chiến đấu giải phóng Miền Nam. Trong số đó có nhiều đồng chí đã vĩnh viễn nằm lại nơi chiến trường, góp trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước. Nhiều đồng chí sau khi hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu đã trở lại giảng đường tiếp tục giảng dạy, học tập, góp phần xứng đáng vào việc xây dựng và phát triển Nhà trường.

Sau khi Miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước được độc lập thống nhất, Đảng và Nhà nước có chủ trương sắp xếp và xây dựng lại các Trường Đại học ở Miền Nam để tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật phục vụ công cuộc xây dựng Chủ nghĩa Xã hội trên cả nước. Hưởng ứng chủ trương của Đảng, đáp ứng nguyện vọng của các đồng chí cán bộ có quê hương ở miền Nam, hàng chục cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý có trình độ và kinh nghiệm của Trường đã được điều động tăng cường cho các Trường Đại học phía nam. Trong đó có: Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Đà Lạt, Trường Đại học Tổng hợp Huế, Trường Đại học Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn... Đồng thời trong thời gian này, có nhiều đồng chí cán bộ có trình độ cao đã được điều động sang làm việc ở một số Bộ, Ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương. Nhiều đồng chí đã trở thành cán bộ lãnh đạo, cán bộ chủ chốt của các trường đại học, các cơ quan nhà nước và các địa phương nói trên.

Để góp phần đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật đáp ứng yêu cầu xây dựng Chủ nghĩa Xã hội và Bảo vệ Tổ quốc, tháng 4 năm 1977 Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường quyết định thành lập Khoa Dầu khí để đào tạo các kỹ sư thăm dò, khai thác dầu khí cho ngành dầu khí non trẻ của Việt Nam. Tiếp theo, để đáp ứng sự phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, vào tháng 1 năm 2000 Nhà trường đã quyết định thành lập Khoa Kinh tế và Quản trị Kinh doanh, Công nghệ thông tin và gần đây thành lập thêm 2 khoa: Xây dựng và Môi trường nhằm đáp ứng nguồn nhân lực có chất lượng cao phục vụ sự nghiệp phát triển của đất nước.

Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác đào tạo năm 1976, Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường Đại học đầu tiên ở Việt Nam được Chính phủ cho phép mở bậc đào tạo nghiên cứu sinh. Năm 1977 Nhà trường đã tổ chức thành công việc bảo vệ luận án PTS đầu tiên (nay gọi là Tiến sĩ) trong các Trường Đại học kỹ thuật của nước ta.

Trong thời gian 10 năm (1974-1984) ở Phổ Yên - Bắc Thái, Nhà trường đã phấn đấu vượt qua nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhất là trong thời kỳ khủng hoảng về kinh tế của đất nước, Nhà trường đã đào tạo hàng trăm sinh viên các ngành Mỏ, Địa chất, Trắc địa và Dầu khí tốt nghiệp hàng năm, cung cấp kịp thời cán bộ khoa học kỹ thuật cho các ngành kinh tế của đất nước; đồng thời đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, phục vụ sản xuất với hàng chục đề tài cấp Nhà nước, cấp Bộ, hàng trăm đề tài cấp trường và hợp đồng phục vụ sản xuất. Mặc dù điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn Nhà trường vẫn duy trì tổ chức định kỳ các Hội nghị Khoa học của cán bộ và sinh viên; xuất bản đều đặn các Nội san Nghiên cứu Khoa học, các Tuyển tập Khoa học của Nhà trường. Tuy vậy, do địa điểm nằm xa các thành phố, đặc biệt là xa Thủ đô Hà Nội - Trung tâm Chính trị - Kinh tế - Văn hoá và Khoa học của cả nước, cho nên Nhà trường đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong những năm này, số sinh viên thi vào Trường Đại học Mỏ - Địa chất ngày càng ít, nhiều khi không đủ số lượng cần tuyển. Nhiều cán bộ có trình độ cao đã xin đi khỏi trường do có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống. Đứng trước thực tế đó, việc xin chuyển địa điểm Trường về Thủ đô Hà Nội là một yêu cầu cấp bách. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, công chức và sinh viên, lãnh đạo Nhà trường đã tích cực trình bày nguyện vọng đó với các cấp lãnh đạo của Nhà nước, Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp và Thành phố Hà Nội. Ngày 16/2/1979 Thủ tướng Chính phủ ra văn bản số 625/VP-4 gửi UBND Thành phố Hà Nội và Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp cùng các Bộ, ngành liên quan thông báo cho phép xây dựng tại ven nội thành Thành phố Hà Nội hai trường đại học: Trường Đại học Mỏ - Địa chất và Trường Đại học Xây dựng. Tháng 9 năm 1981 UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định cấp cho 2 trường diện tích đất xây dựng gần chục héc ta tại cánh đồng bạc màu thuộc 3 xã Cổ Nhuế, Phú Minh và Thượng Cát. Từ đó bắt đầu một thời kỳ mới của Nhà trường. Trường Đại học Mỏ - Địa chất vừa tiếp tục duy trì mọi hoạt động ở địa điểm Phổ Yên - Bắc Thái vừa tích cực tổ chức xây dựng cơ sở mới ở Cổ Nhuế - Từ Liêm - Hà Nội để sớm đưa Trường về Thủ đô Hà Nội.

Thực hiện phương châm tranh thủ mọi nguồn vốn, xây dựng đến đâu chuyển về đến đấy, năm học 1982-1983 đã có những lớp sinh viên đầu tiên của trường (khoá 26) được học tập ở khu trường mới. Nhờ sự quan tâm của Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, các cấp, các ngành, đặc biệt là sự giúp đỡ của Bộ Than và Bộ Năng lượng, đến cuối năm 1984 Nhà trường đã xây dựng được 6.500m2 nhà cấp 4 và chuyển toàn bộ hoạt động của Trường về Thủ đô Hà Nội.

Tuy đã được chuyển về Hà Nội nhưng chưa có cơ sở vĩnh cửu và ở xa đường giao thông, điều kiện đi lại hết sức khó khăn, nhất là vào những ngày mưa bão, cho nên các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học của trường vẫn còn nhiều hạn chế. Trường chưa ra trường, lớp chưa ra lớp, thầy và trò đều chưa yên tâm giảng dạy và học tập. Vì vậy, nhiệm vụ quan trọng của Nhà trường lúc này là phải nhanh chóng xây dựng cơ sở vĩnh cửu để tạo điều kiện cho Nhà trường phát triển toàn diện nâng cao chất lượng đào tạo, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu cán bộ khoa học kỹ thuật trong giai đoạn phát triển và đổi mới của đất nước.

Tháng 2/1988 đáp ứng nguyện vọng của Trường Đại học Mỏ - Địa chất, Uỷ ban Hợp tác Kinh tế - Văn hoá với Lào và Cam-Pu-Chia của Chính phủ quyết định giao lại Khách sạn 214 đang xây dựng dở dang tại xã Đông Ngạc - Từ Liêm - Hà Nội cho Trường để cải tạo thành cơ sở vĩnh cửu của trường. Một lần nữa cán bộ công chức và sinh viên Trường Đại học Mỏ - Địa chất lại bắt tay vào công cuộc xây dựng trường sở mới. Nhưng lần này là xây dựng cơ sở vĩnh cửu, thực hiện ước mơ hơn 20 năm về trước của cán bộ công chức và sinh viên trong toàn trường. Bằng quyết tâm và nỗ lực vượt bậc, với sự quan tâm giúp đỡ tận tình của các cấp lãnh đạo và các Bộ ngành, Nhà trường đã nhanh chóng hoàn tất các thủ tục phê duyệt luận chứng cải tạo và xây dựng các hạng mục công trình của trường.

Giai đoạn 1990 - 1996 được coi là thời kỳ phát triển và đổi mới của Nhà trường cùng với sự đổi mới cơ chế kinh tế của đất nước. Tháng 4 năm 1990, thực hiện công cuộc vận động dân chủ hoá trong Nhà trường bằng sự kiện: bầu Hiệu trưởng nhiệm kỳ 1990 - 1994 và ngày 15/11/1991 tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập trường tại cơ sở trường mới. Đây là thời kỳ Nhà trường phát triển mạnh mẽ công tác đào tạo theo chủ trương cải cách giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo với mục tiêu đổi mới nội dung và chương trình đào tạo, ổn định và từng bước tăng cường cơ sở vật chất nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất.

Giai đoạn 1996 đến 2011 là thời kỳ Nhà trường triển khai thực hiện thành công các Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về đổi mới giáo dục-đào tạo, trong đó có những bước tiến quan trọng về cuộc vận động “Hai không”, cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.v.v… Nhà trường từng bước tăng quy mô và mở rộng ngành nghề đào tạo, xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ viên chức , tăng cường xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị thí nghiệm, nâng cao hiệu quả nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, xây dựng chương trình, giáo trình, bài giảng nhằm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Những thành tựu đã đạt được trong 50 năm xây dựng và phát triển của Trường Đại học Mỏ - Địa chất thể hiện trên các mặt chủ yếu sau đây.

Về công tác đào tạo:

Từ 1966 đến nay, Nhà trường đã đào tạo được 57 khoá đại học với hơn 70.000 kỹ sư thuộc 45 chuyên ngành khác nhau của các lĩnh vực Mỏ, Địa chất, Dầu khí, Trắc địa - Bản đồ, Kinh tế và Quản trị kinh doanh, Công nghệ Thông tin, Cơ-Điện, Xây dựng và Môi trường. Trong đó có hàng trăm kỹ sư cho nước bạn Lào. Số sinh viên Cao đẳng đã tốt nghiệp là 4.188 người; 5.677 học viên Cao học đã bảo vệ thành công Luận văn Thạc sĩ thuộc 15 ngành đào tạo; 405 nghiên cứu sinh đã bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ thuộc 13 ngành đào tạo, trong đó có 3 Tiến sĩ và 21 Thạc sĩ của nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào anh em. Nhà trường thường xuyên quan tâm cải tiến công tác giảng dạy. Đặc biệt trong 10 năm gần đây, Nhà trường đã thực hiện có kết quả chương trình cải cách giáo dục theo chiều sâu với hệ thống chương trình giảng dạy đổi mới (về nội dung và thời gian) nhằm từng bước nâng cao chất lượng đào tạo. Trường Đại học Mỏ - Địa chất là một trong những trường đi đầu trong việc tổ chức thực hiện nghiêm túc và có kết quả chủ trương cải cách giáo dục ở bậc đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trong 8 năm gần đây, Nhà trường chuyển đổi hình thức đào tạo theo hệ thống tín chỉ từ K54 và đào tạo chương trình tiên tiến cho ngành kỹ thuật hóa học, chuyên ngành Lọc - Hóa dầu nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ nhu cầu xã hội.

Nhà trường luôn duy trì công tác đào tạo trong mọi hoàn cảnh, không ngừng mở rộng quy mô đào tạo và đa dạng hoá các loại hình đào tạo (chính quy, vừa làm vừa học, liên thông Cao đẳng - Đại học trong trường và ngoài trường) với địa bàn rộng khắp cả nước. Trong đó, Nhà trường đặc biệt chú trọng các vùng công nghiệp khai thác than và dầu khí (Quảng Ninh và Vũng Tàu), các khu vực miền Trung - Tây Nguyên và miền núi phía Bắc.

Hiện nay nhà trường đã tuyển sinh được 62 khóa đại học, 23 khóa cao đẳng, 34 khóa sau đại học với quy mô hiện nay là 20.000 sinh viên.

Về nghiên cứu khoa học và phục vụ sản xuất:

Hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ luôn được Nhà trường coi là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nhà trường luôn có bước phát triển mạnh mẽ và đúng hướng với hàng trăm đề tài cấp Nhà nước, hàng nghìn đề tài và hợp đồng cấp Bộ và ngành với hiệu quả kinh tế ngày càng cao (hàng trăm tỷ đồng hàng năm), địa bàn hoạt động ngày càng rộng. Trong 50 năm qua, đội ngũ cán bộ khoa học của Nhà trường đã chủ trì thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học như sau: 172 đề tài cấp Nhà nước; 494 đề tài cấp Bộ và 1407 đề tài cấp trường. Trong đó, Nhà trường đặc biệt chú trọng công tác Nghiên cứu khoa học – chuyển giao công nghệ phục vụ ngày càng nhiều cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của các doanh nghiệp, các địa phương.

Hoạt động khoa học và công nghệ của Nhà trường tập trung chủ yếu vào các thế mạnh về ngành nghề có đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao thuộc các lĩnh vực điều tra quy hoạch, khai thác tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường và quản lý đất đai, lãnh thổ. Nhà trường đã quan tâm đầu tư các phòng thí nghiệm công nghệ mới để nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học.

Nhà trường hiện có Công ty TNHH Tư vấn, Triển khai Công nghệ và Xây dựng Mỏ - Địa chất, 8 Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ thuộc các lĩnh vực Khai thác mỏ, Cơ điện mỏ, Địa kỹ thuật, Địa chất môi trường, Trắc địa - Công trình, Trắc địa - Bản đồ, công nghệ khoáng chất và hỗ trợ phát triển KHKT để tạo điều kiện cho các nhà khoa học của trường hoạt động. Tổng kết hoạt động KHCN - LĐSX giai đoạn 2011 - 2015 cho thấy những con số đáng tự hào đó là tổng doanh thu trên 800 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước 65 tỷ đồng và đóng góp vào quỹ phúc lợi của Trường hàng chục tỷ đồng.

Về công tác tổ chức cán bộ:

Cơ cấu học thuật và quản lý của Nhà trường ngày càng đi vào thế ổn định với hệ thống 3 cấp Trường - Khoa - Bộ môn. Hiện nay, Nhà trường có: 9 khoa chuyên môn, 1 khoa Khoa học cơ bản, 1 khoa Lý luận chính trị, 1 khoa Giáo dục quốc phòng với 61 bộ môn chuyên môn, cơ bản, cơ sở; 21 phòng, ban và một số đơn vị trực thuộc Trường.

Nhà trường đã xây dựng và bồi dưỡng được một đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý tương đối đồng bộ, có trình độ chuyên môn cao. Hiện nay, Nhà trường có một đội ngũ cán bộ, viên chức gồm 887 người, trong đó có 614 giảng viên cơ hữu. Trong số các giảng viên, có 2 Giáo sư, 58 Phó Giáo sư, 150 Tiến sĩ và 360 Thạc sĩ. Trong  những năm gần đây, Nhà trường cử hàng trăm cán bộ trẻ đi đào tạo trên đại học ở các trường đại học trong và ngoài nước.

Về hợp tác quốc tế:

Trong 50 năm xây dựng và phát triển, Nhà trường luôn luôn quan tâm phát triển quan hệ hợp tác trong đào tạo và nghiên cứu khoa học với các trường đại học, các tổ chức khoa học và các doanh nghiệp nước ngoài, trước hết là với Liên Xô, Trung Quốc và các nước Xã hội Chủ nghĩa trước đây. Nhiều cán bộ của trường đã được đào tạo, bồi dưỡng, bảo vệ luận án tiến sĩ tại Liên Xô, Trung Quốc, Ba Lan, Đức, Tiệp Khắc, Rumani, Hungari, Bungari...

Trong thời kỳ đổi mới của đất nước, Nhà trường càng chú trọng hơn việc mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế với các đại học chuyên ngành ở Tây Âu, Mỹ, Nhật Bản,... nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận với nền khoa học kỹ thuật tiên tiến và học hỏi công nghệ đào tạo mới. Hiện nay, Nhà trường có quan hệ hợp tác với hơn 200 trường Đại học, trung tâm nghiên cứu khoa học, viện nghiên cứu và tổ chức giáo dục của 32 quốc gia trên thế giới và là thành viên của 8 tổ chức mạng lưới đại học quốc tế. Nhiều trường Đại học có quan hệ hợp tác với Nhà trường đến từ các nước phát triển như: Đại học Oklahoma (Mỹ), Đại học Montpellier (Pháp), Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Viện Hàn lâm Mỏ Freiberg (Đức), Đại học Trắc địa - Bản đồ Mạc-Tư-Khoa (Nga), Đại học Mỏ Mạc-Tư-Khoa; Đại học Mỏ Xanh-Petecbua; Đại học Curtin (úc), Đại học thành phố Osaka (Nhật Bản), Đại học Kyoto (Nhật Bản), Đại học Paichai (Hàn Quốc), Đại học Dầu khí Bắc Kinh, Đại học Địa chất Bắc Kinh, Đại học Vũ Hán, Đại học Mỏ và Công nghệ Trung Quốc, Đại học Công nghệ Malaysia, Đại học Darusalam (Brunei), Viện Công nghệ Châu Á (AIT), Đại học Vương quốc Anh…

Về công tác xã hội:

Nhà trường luôn bám sát các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước; tổ chức thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của các tỉnh thành nơi Nhà trường đóng quân. Hoạt động của các Tổ chức Đảng, Công đoàn và Đoàn thanh niên, Hội sinh viên, Hội Cựu chiến binh của Nhà trường luôn được cấp trên đánh giá cao và công nhận là đơn vị vững mạnh.

Những thành tích trên đạt được là nhờ sự đoàn kết nhất trí của cán bộ công chức và sinh viên toàn trường, trước hết là sự đoàn kết thống nhất trong Đảng bộ Nhà trường dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng uỷ, sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các đoàn thể quần chúng, đặc biệt là Công đoàn và Đoàn thanh niên. Đó là một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của Nhà trường.

Thông tin liên hệ:

Địa chỉ: Số 18 Phố Viên - Phường Đức Thắng - Q. Bắc Từ Liêm - Hà Nội

Điện thoại: (+84-24) 3838 9633

Email: hanhchinhtonghop@humg.edu.vn