Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ - Luyện kim (VIMLUKI) trực thuộc Bộ Công Thương (MOIT) là Viện nghiên cứu Khoa học, Công nghệ và Môi trường chuyên ngành Mỏ và Luyện kim của Việt Nam. Viện được Chính phủ thành lập năm 1967.

Viện có chức năng nghiên cứu, triển khai các dự án về khoa học, công nghệ và môi trường trong ngành công nghiệp Mỏ và Luyện kim, bao gồm: Lập quy hoạch; lập dự án tư vấn đầu tư; nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, lắp đặt và cung cấp máy, thiết bị đồng bộ thuộc dây chuyền công nghệ chuyên ngành; chuyển giao công nghệ; đánh giá tác động môi trường; cung cấp dịch vụ khoa học - kinh tế; dịch vụ phân tích hoá - lý; đào tạo cán bộ; khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản, kim loại; kinh doanh xuất, nhập khẩu trực tiếp nguyên liệu, các sản phẩm từ kim loại; kinh doanh cho thuê văn phòng, bất động sản.

Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Nghiên cứu cơ bản về khoa học công nghệ Mỏ - Luyện kim.

2. Nghiên cứu xây dựng chiến lược, cơ chế chính sách và các vấn đề khác phục vụ chức năng quản lý nhà nước của Bộ:

a) Nghiên cứu xây dựng chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển, định mức kinh tế - kỹ thuật, quy phạm, tiêu chuẩn chuyên ngành mỏ, luyện kim và gia công kim loại;

b) Nghiên cứu phát triển và ứng dụng chuyển giao công nghệ; thiết kế, chế tạo, lắp đặt và cung cấp máy, thiết bị đồng bộ thuộc dây chuyền công nghệ;

c) Nghiên cứu giám định, kiểm định, kiểm tra, đánh giá về dây chuyền công nghệ thuộc các công trình ngành mỏ - luyện kim, công trình khoa học, công nghệ và các loại máy, thiết bị thuộc chuyên ngành;

d) Nghiên cứu luận cứ khoa học và các giải pháp, mô hình phục vụ ngành khai khoáng;

đ) Nghiên cứu tổ chức các hoạt động thông tin khoa học, công nghệ và kinh tế ngành mỏ, luyện kim và gia công kim loại;

e) Nghiên cứu xây dựng các đề án, dự án Nhà nước được các cấp có thẩm quyền giao;

g) Thực hiện các nghiên cứu khác theo quy định của pháp luật.

3. Nghiên cứu ứng dụng:

a) Nghiên cứu triển khai ứng dụng các kết quả nghiên cứu của các đề tài, chương trình, dự án đã nghiệm thu vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị và yêu cầu thực tiễn của Bộ;

b) Nghiên cứu triển khai ứng dụng các thành tựu mới, hiện đại của khoa học và công nghệ vào thực tiễn.

4. Thực hiện nhiệm vụ tham gia hoạt động khoa học và công nghệ mỏ, luyện kim của Bộ Công Thương:

a) Tham gia quản lý công tác nghiên cứu khoa học công nghệ mỏ, luyện kim của Bộ;

b) Xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển khoa học của Bộ;

c) Tham gia xây dựng kế hoạch nghiên cứu khoa học dài hạn, hàng năm của Bộ, tổ chức thực hiện, quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học;

d) Định kỳ tổ chức sơ kết, tổng kết công tác nghiên cứu khoa học phục vụ các nhiệm vụ của Bộ.

5. Thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ:

a) Ký kết hợp đồng và mở các lớp bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng, phương pháp nghiên cứu cho cán bộ, công chức, viên chức và các lớp đào tạo, bồi dưỡng theo các chương trình, dự án, đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ mỏ, luyện kim do Viện chủ trì;

b) Bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý, điều hành sản xuất, kinh doanh và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ của Viện; phối hợp  đào tạo đại học, sau đại học; đào tạo công nhân kỹ thuật phục vụ sản xuất - kinh doanh chuyên ngành và xuất khẩu lao động;

c) Ký kết hợp đồng dịch vụ trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đầu tư trực tiếp, liên doanh liên kết, dịch vụ khoa học, công nghệ chuyên ngành với các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước;

d) Cung cấp các dịch vụ phân tích lý - hóa;

đ) Giám định, kiểm định, kiểm tra, đánh giá về dây chuyền công nghệ thuộc các công trình ngành mỏ - luyện kim, công trình khoa học - công nghệ và các loại máy, thiết bị thuộc chuyên ngành;

e) Tổ chức các hoạt động thông tin khoa học, công nghệ và kinh tế ngành mỏ - luyện kim và gia công kim loại;

g) Tư vấn, đầu tư, thiết kế, xây dựng, chế tạo, lắp đặt và đánh giá tác động môi trường thuộc lĩnh vực khai thác mỏ, chế biến về tuyển khoáng và luyện kim; xây dựng các công trình công nghiệp và dân dụng;

h) Khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản kim loại màu, hợp kim và sản xuất vật liệu xây dựng phục vụ trong nước và xuất khẩu;

i) Thực hiện các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

6. Phối hợp đào tạo đại học, sau đại học về chuyên ngành khoa học - công nghệ mỏ - luyện kim gắn với nghiên cứu khoa học theo quy định của pháp luật.

7. Hợp tác nghiên cứu khoa học:

a) Thực hiện hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học công nghệ về các lĩnh vực thuộc phạm vi của Viện theo quy định của pháp luật;

b) Hợp tác nghiên cứu khoa học và trao đổi kinh nghiệm nghiên cứu khoa học với các cơ quan, đơn vị; các Viện nghiên cứu khoa học; các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng trong nước về những vấn đề liên quan đến lĩnh vực luyện kim, công nghệ khai thác mỏ và chế biến khoáng sản;

c) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; các cơ quan, đơn vị trong ngành khoáng sản triển khai và ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn công tác của Bộ, ngành;

d) Tổ chức hoặc phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm khoa học trong nước và quốc tế có liên quan đến các lĩnh vực khoáng sản.

8. Quản lý đội ngũ công chức, viên chức và người lao động, tài chính, tài sản của Viện theo quy định của nhà nước về cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.

9. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Bộ trưởng.

10. Viện có các quyền hạn:

a) Tổ chức và hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với tổ chức khoa học công lập nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu triển khai, nghiên cứu chiến lược chính sách cho ngành công nghiệp khai thác mỏ, tuyển khoáng và luyện kim;

b) Chủ trì hoặc tham gia xây dựng các đề án, dự án trong nước và các dự án do các tổ chức quốc tế tài trợ trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý luyện kim, công nghệ khai thác mỏ và chế biến khoáng sản của Bộ;

c) Thực hiện các quyền hạn theo quy định cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức khoa học và công nghệ công lập.