Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại tiền thân là Trường trung cấp Kỹ thuật Ăn uống Công cộng và Phục vụ, thành lập ngày 24-9-1963 theo Quyết định số 553/NT-QĐ của Bộ Nội thương (nay là Bộ Công Thương); ngày 29 tháng 01  năm 2004, Trường được nâng cấp thành lên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Khách sạn và Du lịch theo Quyết định số 459/QĐ- BGD&ĐT ngày 29/01/2004 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trải qua 55 năm xây dựng và phát triển Trường đã qua 8 lần đổi tên:

Từ năm 1963 đến năm 1966: Trường Trung cấp Kỹ thuật Ăn uống Công cộng và Phục vụ;

Từ năm 1966 đến năm 1976: Trường Trung học Kỹ thuật nấu ăn;

Từ năm 1977 đến năm 1989: Trường Trung học Ăn uống Công cộng I;

Từ năm 1990 đến năm 1996: Trường Trung học Kỹ thuật dịch vụ Ăn uống Trung ương;

Từ năm 1997 đến năm 2000: Trường Trung học Ăn uống - Khách sạn Bộ Thương mại;

Từ năm 2001 đến năm 2003: Trường Trung học Ăn uống - Khách sạn và Du lịch TW;

Từ năm 2004 đến tháng 9/2012: Trường Cao đẳng Kỹ thuật Khách sạn và Du lịch;

Từ tháng 9/2012 đến nay: Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại.

Nhà trường đã có 6 lần di chuyển địa điểm:

Từ tháng 9/1963 đến tháng 11/1964: Sầm Sơn - Thanh Hóa;

Từ tháng 12/1964 đến tháng 5/1965: Thiệu Vũ - Thiệu Hóa - Thanh Hóa;

Từ tháng 6/1965 đến tháng 8/1965: Khoái Châu - Hưng Yên;

Từ tháng 9/1965 đến tháng 7/1967: Lập Thạch - Vĩnh Phúc;

Từ tháng 8/1967 đến tháng 4/1975: Ân Thi - Hưng Yên;

Từ tháng 5/1975 đến nay: Thị trấn Lai Cách - Cẩm Giàng - Hải Dương

Cảnh trường hiện nay

Giai đoạn mới thành lập đến năm 1967: Đây là giai đoạn định hình hướng đi, xây dựng các ngành, nghề đào tạo của Nhà trường

Với số lượng cán bộ, giáo viên còn ít (trên 10 người) Nhà trường đã tổ chức khóa học đầu tiên với 03 lớp (152 học sinh) trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn cán bộ, giáo viên nhà trường đã không quản khó khăn, vất vả vừa xây dựng cơ sở vật chất, biên soạn bài giảng, phát triển đội ngũ vừa tham gia sản xuất. Cũng trong giai đoạn nay Nhà trường phải thường xuyên thay đổi địa điểm trú đóng và định hình hướng đi cho một Trường Trung học đầu tiên trên cả nước đào tạo cán bộ, công nhân, nhân viên cho ngành Nội thương.  

Bắt đầu từ con số không nhà trường đã đào tạo được 500 học sinh cung ứng nguồn nhân lực cho khu vực miền Trung và miền Bắc.Giai đoạn từ năm 1968 đến năm 2003: Đây là giai đoạn nhà trường ổn định về tổ chức, quy mô đào tạo, khắc phục khó khăn để hoàn thành chức năng, nhiệm vụ đào tạo

Nhà trường đã tập trung xây dựng các chương trình đào tạo, chương trình môn học, biên soạn giáo trình, bài giảng cho cả ba hệ: Trung học kỹ thuật nấu ăn, công nhân kỹ thuật bậc 2/5, bồi dưỡng cán bộ quản lý xí nghiệp ăn uống công cộng. Quy mô tuyển sinh hằng năm của nhà trường từ 200 đến 500 học sinh thông qua chỉ tiêu phân bổ của Bộ Thương nghiệp, bên cạnh đó Nhà trường còn được giao nhiệm vụ đào tạo cán bộ cho ngành ăn uống của hai nước bạn Lào và Campuchia;

Bước sang những năm 1980, cùng với những khó khăn chung của nền kinh tế đất nước Nhà trường cũng gặp phải nhiều khó khăn như: Chỉ tiêu tuyển sinh bị cắt giảm, đời sống cán bộ công nhân viên gặp nhiều khó khăn. Đứng trước tình hình đó Đại hội Đảng bộ nhà trường khóa XII (tháng 11, năm 1981) đã có nghị quyết “Bằng nhiều biện pháp phải đảm bảo lưu lượng học sinh hằng năm từ 300 đến 500 em. Cố gắng giữ vũng các hoạt động của Nhà trường, đẩy mạnh tăng gia sản xuất tạo điều kiện cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân viên, giáo viên và học sinh, sinh viên. Cải tiến mục tiêu chương trình đào tạo cho phù hợp với tình hình thực tế, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất”;

Với quyết tâm đó cán bộ, giáo viên nhà trường đã liên hệ với các địa phương như Sơn La, Cao Bằng, Vĩnh Phú, Hà Bắc, Hòa Bình, Thái Nguyên, Quảng Ninh … để tuyển sinh, mở lớp đào tạo tại chỗ; vừa làm, vừa học. Với nguồn kinh phí thu được từ hoạt động đào tạo và sự hỗ trợ ít ỏi của Nhà nước Nhà trường đã xây dựng được một số công trình phục vụ giảng dạy và học tập như: Xưởng thực hành, Nhà ăn tập thể của học sinh, 08 phòng học lý thuyết và một số công trình phụ trợ khác đủ đảm bảo cho quy mô đào tạo gần 600 học sinh và 100 cán bộ giáo viên. Đời sống cán bộ, giáo viên và học sinh dần được cải thiện các hoạt động của Nhà trường đi vào nề nếp;

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Nhà trường từ khóa XVII (tháng 10/1991) đến khóa XXIII (tháng 06/2003) tiếp tục khẳng định:

- Nhà trường cần đa dạng hóa các loại hình đào tạo, đào tạo những ngành, nghề mà xã hội có nhu cầu;

- Cải tiến mục tiêu, nội dung, chương trình, phương pháp giảng dạy phù hợp với thực tế đổi mới;

- Đẩy mạnh xây dựng cơ sở vật chất đáp ứng được nhu cầu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học của cán bộ, giáo viên và học sinh của Nhà trường;

Tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên và học sinh Nhà trường.
Từ chỗ chỉ có 02 chuyên ngành, nhà trường đã phát triển 4 hệ đào tạo với nhiều chuyên ngành khác nhau. Bên cạnh đó, Nhà trường đã tích cực đổi mới nội dung, chương trình đào tạo giảm thiểu phần lý thuyết tăng cường học thực hành, thực tế. Trên cơ sở chương trình khung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thương mại, từ năm 1999 đã tổ chức nhiều cuộc Hội thảo khoa học xây dựng chỉnh lý được trên 10 chương trình đào tạo, 35 chương trình môn học. Những chương trình biên soạn mới này đã khắc phục được sự chồng chéo giữa các môn học có tính liên thông giữa các hệ đào tạo, các chương trình đào tạo.

Công tác nghiên cứu khoa học đã được định hình và phát triển với 70 công trình, sáng kiến được nghiệm thu, ứng dụng trong thực tế có hiệu quả. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng chất lượng đội ngũ đã có trên 90% cán bộ, giáo viên có trình độ đại học, 06 thạc sĩ, 01 đồng chí có trình độ cao cấp lý luận chính trị; 100% cán bộ quản lý của Nhà trường đều trưởng thành từ giáo viên và được đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý kinh tế, nghiệp vụ sư phạm, quản lý nhà nước. 

Đến cuối năm 2003, Nhà trường đã có một cơ ngơi khá khang trang và dần được hoàn thiện với 21 phòng học lý thuyết, 08 phòng học chuyên ngành, 06 phòng thực hành chế biến sản phẩm ăn uống với đầy đủ trang bị, 01 phòng thí nghiệm, 02 khu khu làm việc cho các đơn vị phòng ban, các tổ giáo viên và đưa vào sử dụng cơ sở thực hành nghề ăn uống - khách sạn 3 tầng có phòng ăn, phòng nghỉ, phòng hội thảo và một số phòng chức năng khác với trang thiết bị khá hiện đại. Học sinh xuống học ở đây đã được tiếp cận với thực tế.

Giai đoạn từ năm 2004 đến nay: Đây là giai đoạn phát triển bậc đào tạo, đa dạng hóa ngành, nghề; đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế. 

Ngày 29 tháng 01 năm 2004, Trường được nâng cấp thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật khách sạn và Du lịch theo Quyết định số 459/QĐ-BGD&ĐT-TCCB của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đây thực sự là dấu mốc đầy tự hào thể hiện rõ quyết tâm của lãnh đạo và tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường và sự quan tâm, tạo điều kiện to lớn của Bộ Công Thương và Bộ Giáo dục và Đào tạo; để phù  hợp với định hướng phát triển nhà trường trong dài hạn và cơ cấu ngành nghề đào tạo ngày 27 tháng 6 năm 2012 trường được đổi tên thành Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại theo Quyết định số 2367/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trước những yêu cầu mới, Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường đã tập trung chỉ đạo giải quyết những nhiệm vụ trọng tâm như: Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ, trước tiên là đảm bảo đạt chuẩn theo quy định nhà giáo giảng dạy bậc Cao đẳng; xây dựng chương trình đào tạo; xây dựng,cải tạo cơ sở vật chất; ổn định và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ, giáo viên và HSSV.

 Về cơ cấu tổ chức, bộ máy đã hình thành 15 đơn vị trực thuộc (07 phòng chức năng, 06 khoa chuyên môn, 01 Trung tâm, 01 đơn vị Xưởng) đã đảm bảo thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ được giao;

Từ năm 2014 đến năm 2016, trước những khó khăn chung về công tác tuyển sinh của các Trường Cao đẳng quy mô tuyển sinh của Nhà trường cũng sụt giảm dẫn đến quy mô đào tạo bị ảnh hưởng; Đảng ủy, Ban Giám hiệu Nhà trường đã có những chỉ đạo đúng đắn, tìm ra nhiều phương án tuyển sinh mới, hướng đến những đối tượng cụ thể, mở rộng các loại hình đào tạo sơ cấp nghề, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho các đơn vị cá nhân có nhu cầu. Do vậy, số lượng tuyển sinh năm 2017, 2018 đã có nhiều kết quả tốt cơ bản đảm bảo định mức công tác của giáo viên, đời sống cán bộ, giáo viên và HSSV được duy trì ổn định.

Từ ngày 01/01/2017, việc quản lý hoạt động chuyên môn của nhà trường được bàn giao từ Bộ Giáo dục và Đào tạo sang Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội) nhà trường đã quyết liệt chỉ đạo các phòng, khoa chuyên môn tổ chức biên soạn lại chương trình đào tạo cho phù hợp với quy định mới, chỉ trong thời gian ngắn đến đầu năm học 2017 – 2018 Nhà trường đã hoàn tất việc chỉnh sửa, biên soạn lại chương trình đào tạo theo quy định mới tạo cơ sở cho việc xin cấp phép đào tạo 13 ngành nghề ở các hệ Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp hiện nay của Trường; Nhà trường đã được Tổng cục dạy nghề phê duyệt 02 nghề cấp độ ASEAN, 03 nghề cấp độ quốc gia;
Để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng được nhu cầu xã hội và khẳng định thương hiệu, trong những năm qua Nhà trường luôn quan tâm, chú trọng tới việc xây dựng và phát triển đội ngũ nhất là đội ngũ nhà giáo. Bình quân mỗi năm có từ 10-15 lượt cán bộ, giáo viên tham gia học tập nâng cao trình độ; trên 100 lượt cán bộ, giảng viên tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, quản lý. Bên cạnh đó, Nhà trường còn cử trên cán bộ, giáo viên tham gia các đoàn công tác nước ngoài để khảo sát, học tập kinh nghiệm về kiến thức hội nhập, phát triển kinh tế, giao lưu tay nghề … theo kế hoạch của Bộ Công Thương, doanh nghiệp mời dự; hằng năm Nhà trường trích nguồn kinh phí trên 200 triệu đồng cho hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chất lượng đội ngũ.
Nhà trường đã duy trì tốt Hội thi giáo viên giỏi cấp Trường hằng năm, cử giáo viên tham gia Hội giảng cấp tỉnh, cấp Quốc gia: Đã có 332 lượt giáo viên tham gia Hội thi giáo viên dạy giỏi cấp trường, trong đó 100% đạt giờ giảng khá, giỏi, 30 lượt giáo viên tham gia Hội giảng cấp tỉnh, cấp Quốc gia đều được công nhận giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, cấp Quốc gia và đạt giải cao (05 giáo viên đạt giải nhất, 07 giải nhì, 07 giải ba cấp Tỉnh, 03 giải khuyến khích; 04 giáo viên đạt giải nhì cấp Quốc gia, 01 giáo viên đạt giải ba);  Đội ngũ cán bộ, giảng viên nhà trường có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực làm việc ngày càng được nâng cao đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới. Đối với khối HSSV đã có trên 400 HSSV tham gia hội thi tay nghề  giỏi cấp Trường, trong đó 100% các em đạt loại xuất sắc, giỏi hoặc khá; chỉ tính riêng từ năm học 2012 – 2013 đến nay Nhà trường đã chọn cử 12 em tham gia Hội thi tay nghề cấp Bộ, trong đó có 06 em đạt giải nhất, 04 em đạt giải nhì, 01 em đạt giải ba, 01 em đạt giải khuyến khích.

Công tác nghiên cứu khoa học đã được Nhà trường đặc biệt quan tâm, duy trì thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng chương trình đào tạo, đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học là trung tâm, các nhiệm vụ cụ thể là: Xây dựng nội dung, chương trình đào tạo, đề cương chi tiết cho mỗi học phần. thường xuyên chỉnh lý, bổ sung chương trình đào tạo. Nhà trường đã có trên 500 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, trong đó 100% đạt loại khá, tốt, gần 1.000 đề tài nghiên cứu của khối HSSV.
Công tác xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy học tập cũng được đẩy mạnh. Nhà trường đã hoàn thành giai đoạn 1 của kế hoạch xây dựng cơ sở vật chất với tổng nguồn kinh phí trên 80 tỉ đồng đến nay Nhà trường đã có cơ sở vật chất khang trang, trang thiết bị hiện đại đủ đáp ứng cho đào tạo với quy mô 5000 học sinh, sinh viên được quy hoạch theo từng dãy nhà chức năng như:

- Nhà học thực hành nấu ăn 5 tầng diện tích sử dụng trên 1700m2; nhà 7 tầng diện tích sử dụng trên 5000m2 thực hành các nghiệp vụ Bàn, buồng, pha chế đồ uống, Lễ tân, Hướng dẫn Du lịch, Kế toán máy; Nhà học lý thuyết 5 tầng diện tích sử dụng gần 4000m2, trong đó hầu hết các phòng học được trang bị hệ thống máy chiếu, âm thanh; Hội trường kiêm giảng đường 1.130 m2 với sức chứa 500 người phục vụ hội nghị, hội thảo; Nhà Thư viện 5 tầng có diện tích sử dụng trên 1500 m2, với trên 34.000 đầu sách và phòng đọc, phòng hội thảo, phòng thư viện điện tử phục vụ nhu cầu nghiên cứu của cán bộ, giảng viên và HSSV; Nhà học thực hành đa năng có diện tích 2.802 m2 giành cho việc giảng dạy Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và nhu cầu tập luyện TDTT của cán bộ, giảng viên, HSSV trong nhà trường; Nhà KTX khép kín 5 tầng, 2 tầng đáp ứng nhu cầu về chỗ ở cho trên 300 HSSV.Nhà trường đã định hướng đầu tư mua sắm mới và bổ sung thiết bị dụng cụ phục vụ cho các phòng học thực hành hiện đại như: Phòng thực hành Ngoại ngữ; Tin học, Lễ tân, Du lịch, Kế toán máy, pha chế, tổ chức sự kiện, Buồng, Nấu ăn Á, Âu…

Đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ, giáo viên được duy trì ổn định và từng bước nâng cao, ngoài các khoản tiền lương theo quy định nhà trường còn chi hỗ trợ, thưởng cho các ngày lễ tết, tiền làm thêm khối cán bộ, phòng ban, vượt giờ khối giáo viên … với tổng mức thu nhập tăng thêm bằng 0.2 lần tiền lương hiện hưởng; thu nhập bình quân đầu người của cán bộ, giáo viên đạt trên 6 triệu đồng/người/tháng. Học sinh, sinh viên được sinh hoạt, học tập trong môi trường an ninh tốt, được tham gia các hoạt động văn nghệ, thể thao, võ thuật … để phát triển thể lực và hoàn thiện nhân cách.
Sau 55 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại đã đào tạo được gần 60.000 cán bộ có trình độ Cao đẳng, Trung cấp, Sơ cấp  phục vụ cho ngành du lịch, thương mại ở hầu hết các tỉnh thành trong cả nước.  Nhà trường đã trở thành cơ sở đào tạo có uy tín, được Nhà nước tặng thưởng nhiều nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì, hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; nhiều lần được Chính phủ, Bộ Công Thương tặng Cờ thi đua, Bằng khen; Nhiều tập thể trực thuộc đạt tập thể lao động xuất sắc, được tặng Bằng khen; 03 cá nhân được tặng Huân chương Lao động hạng Ba, 15 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, 03 người đang được làm thủ tục đề nghị khen thưởng, 07 Nhà giáo Ưu tú, 01 Chiến sĩ thi đua toàn quốc; hàng trăm lượt Chiến sĩ thi đua cấp Bộ, cấp cơ sở, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, “Vì sự nghiệp phát triển ngành Công Thương Việt Nam”, “Vì sự nghiệp phát triển Khoa học Công nghệ và Môi trường” …

Để đạt được những thành tích đáng tự hào như trên, tập thể cán bộ, công chức, viên chức nhà trường luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Bộ Công Thương, Tổng cục dạy nghề (Bộ Lao động Thương binh và Xã hội), Bộ Giáo dục và Đào tạo, các ban, ngành địa phương, sự đồng hành của các đơn vị liên kết và trên hết là sự đồng tâm, hiệp lực cố gắng của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức đã và đang công tác tại Trường.
Phát huy những thành tích đã đạt được trong chặng đường 55 năm thành lập và phát triển, trong những năm tới Đảng ủy, Ban Giám hiệu và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, lao động của Trường Cao đẳng Du lịch và Thương mại sẽ quyết tâm đoàn kết, khắc phục mọi khó khăn để hoàn thành mọi  nhiệm vụ được giao, xây dựng nhà trường phát triển bền vững, nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay./.