Năm 1987 trường Trường Dạy nghề I Sơn la được thành lập trên cơ sở sát nhập 02 trường: Lái xe – Máy – Cơ điện và Trường Xây dựng – Thủy Lợi; Năm 2003 thành lập trường Đào tạo nghề Sơn la trực thuộc UBND tỉnh trên cơ sở nâng cấp trường Dạy nghề I Sơn La trược thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Năm 2008 trường Trung cấp nghề Sơn La trên cơ sở nâng cấp trường Đào tạo nghề (theo luật dạy nghề); Năm 2012 nhà trường được nâng cấp lên thành Trường Cao đẳng nghề Sơn La; đến năm 2017 được đổi tên thành Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Sơn La (theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp).
Nhiệm vụ của Trường Cao đẳng Kỹ thuật công nghệ Sơn La
1. Tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ với 03 cấp trình độ: Cao đẳng nghề; Trung cấp nghề và Sơ cấp nghề nhằm trang bị cho người học năng lực thực hành nghề tương xứng với trình độ đào tạo, có sức khoẻ, đạo đức nghề nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật, tác phong công nghiệp, tạo điều kiện cho họ có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc tiếp tục học lên trình độ cao hơn, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, phục vụ cho các thành phần kinh tế trong Tỉnh và xuất khẩu lao động sang các nước trong khối ASEAN. Đào tạo các nghề thuộc lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, dịch vụ du lịch... nhằm thu hút các lực lượng lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh và đào tạo lực lượng lao động cho một số tỉnh của nước bạn Lào.
2. Tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các chương trình, giáo trình, tài liệu dạy nghề đối với các ngành nghề được phép đào tạo.
3. Xây dựng kế hoạch tuyển sinh, tổ chức tuyển sinh học nghề.
4. Tổ chức các hoạt động dạy và học: Thi, kiểm tra, công nhận tốt nghiệp, cấp bằng, chứng chỉ nghề theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
5. Tuyển dụng, quản lý đội ngũ giáo viên, cán bộ, nhân viên của trường đủ về số lượng phù hợp với ngành nghề, quy mô, trình độ đào tạo theo quy định của pháp luật.
6. Tổ chức nghiên cứu khoa học; ứng dụng tiến bộ khoa học, chuyển giao công nghệ; thực hành sản xuất, kinh doanh và dịch vụ khoa học, kỹ thuật theo quy định của pháp luật.
7. Tư vấn học nghề, tư vấn việc làm miễn phí cho người học nghề.
8. Tổ chức cho người học nghề tham quan, thực tập tại doanh nghiệp.
9. Phối hợp với các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân, gia đình người học nghề trong hoạt động dạy nghề.
10. Tổ chức cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và người học nghề tham gia các hoạt động xã hội.
11. Thực hiện dân chủ, công khai trong việc thực hiện các nhiệm vụ dạy nghề, nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ vào dạy nghề và hoạt động tài chính.
12. Đưa nội dung giảng dạy về ngôn ngữ, phong tục tập quán, pháp luật có liên quan của nhà nước mà người lao động đến làm việc và pháp luật có liên quan của Việt Nam vào chương trình dạy nghề khi tổ chức dạy nghề cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
13. Quản lý, sử dụng đất đai, cơ sở vật chất, thiết bị và tài chính theo quy định của pháp luật.
14. Thực hiện chế độ báo định kỳ và đột xuất theo quy định.