Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, tiền thân là Trạm Nghiên cứu cá nước ngọt, được thành lập từ năm 1963, với mục đích nghiên cứu phát triển kỹ thuật nuôi các đối tượng thủy sản nước ngọt và điều tra đánh giá nguồn lợi thuỷ sản nước ngọt. Trong suốt hơn 50 năm tồn tại và phát triển, Viện đã trải qua nhiều chặng đường biến đổi, vượt qua nhiều khó khăn và ngày nay trở thành một Viện đa chức năng về lĩnh vực nghiên cứu- khuyến ngư- đào tạo trong nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi.
Hiện nay, tổng số viên chức, lao động của Viện là 199 người. Đặc điểm nổi bật là lực lượng cán bộ trẻ được đào tạo chính quy, có trình độ cao: 02 Phó Giáo sư, 57 người có trình độ tiến sỹ và thạc sỹ. Các cán bộ có trình độ từ đại học trở lên đều có thể giao dịch bằng ngoại ngữ (chủ yếu là tiếng anh) trong công việc.
Trong quá trình phát triển, Viện luôn nhận được sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Sự quan tâm sát sao và chỉ đạo trực tiếp của Bộ Thuỷ sản và ngày nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là động lực mạnh mẽ giúp Viện vượt qua những khó khăn trong quá trình phát triển.
Mục tiêu phát triển của Viện là quyết tâm phát huy những thành tích đã đạt được, đoàn kết vượt qua mọi khó khăn nhằm xây dựng Viện thành một Viện nghiên cứu khoa học công nghệ công lập tự chủ hàng đầu trong ngành.
Điều 1. Vị trí, Chức năng
1. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I là đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ công lập thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, đào tạo, hợp tác quốc tế, tư vấn, dịch vụ về bảo tồn và phát triển nguồn lợi thủy sản; nuôi trồng, khai thác thủy sản; chế biến thủy sản thuộc các tỉnh Miền Bắc.
2. Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I (sau đây gọi tắt là Viện) có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho Bạc Nhà nước và Ngân hàng để hoạt động theo quy định của Pháp luật.
Trụ sở chính của Viện đặt tại Phường Đình Bảng - Thị xã Từ Sơn - Tỉnh Bắc Ninh.
Kinh phí hoạt động của Viện được bố trí từ ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của Pháp luật.
3. Tên giao dịch tiếng Anh: Research Institute for Aquaculture No.1 viết tắt là RIA1.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng và trình Bộ:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm, các chương trình, dự án về thủy sản thuộc nhiệm vụ của Viện và tổ chức thực hiện sau khi được Bộ phê duyệt;
b) Tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình, quy phạm, hướng dẫn ký thuật về nuôi trồng, chế biến, khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản thuộc nhiệm vụ của Viện theo quy định của pháp luật.
2. Nghiên cứu cơ bản có định hướng và nghiên cứu ứng dụng tổng hợp:
a) Các tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ nuôi trồng, khai thác, bảo quản, chế biến, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản;
b) Đánh giá tác động nguồn nươc, môi trường, biến đổi khí hậu liên quan đến thủy sản và đề xuất các giải pháp thích ứng, giảm thiểu;
c) Đặc điểm sinh học về sinh sản, dinh dưỡng, sinh trưởng của các đối tượng nuôi;
d) Bệnh thủy sản, các vấn đề dịch tễ học, tác nhân, nguyên nhân gây bệnh và đề xuất biện pháp phòng, trị bệnh;
đ) Tạo vắc xin thủy sản và chế phẩm sinh học phục vụ nuôi trồng thủy sản;
e) Quan trắc, cảnh báo, dự báo môi trường và dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản;
g) Chọn, tạo giống, sản xuất giống nhân tạo, phương pháp di giống; các giải pháp quản lý sức khỏe thủy sản;
h) Quy trình, công nghệ sản xuất sản thực ăn, các loại rong, tảo có giá trị kinh tế trên các vùng nước làm thức ăn cho thủy sản, dinh dưỡng, bảo quản thức ăn thủy sản; chế biến và bảo quản thủy sản sau thu hoạch;
i) Thuần hóa những loài thủy sản mới nhập nội, lai tạo giữa các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế để tạo ra giống mới có năng suất cao.
3. Điều tra môi trường, nguồn lợi thủy sản nội địa và ven biển, nuôi trồng, chế biến, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế.
4. Tập hợp, tuyển chọn và lưu giữ giống gốc, giống thuần các đối tượng thủy sản có giá trị, lưu giữ, khai thác và phát triển nguồn gen thủy sản.
5. Khảo nghiệm, kiểm nghiệm giống, thức ăn, thuộc, hóa chất và chế phẩm sinh học dung trong thủy sản theo quy định của pháp luật.
6. Đào tạo, tập huấn khoa học kỹ thuật, đào tạo sau đại học theo chuyên ngành được giao, tham gia công tác khuyến ngư.
7. Thông tin khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ tin học, xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu.
8. Hợp tác quốc tế, liên quan, liên kết trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ về nuôi trồng, chế biến, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật.
9. Tư vấn, chuyển giao công nghệ; dịch vụ kỹ thuật, quy trình công nghệ liên quan đến nuôi trồng, chế biến, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo quy định của pháp luật; tổ chức sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực được giao theo quy định của pháp luật.
10. Quyết định việc mời chuyên gia, các nhà khoa học nước ngoài vào Việt Nam và cử công chức, viên chức ra nước ngoài công tác theo quy định của pháp luật hiện hành và phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
11. Xây dựng trình Bộ đề án vị trí việc làm; quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức theo ngạch, số lượng viên chức theo chức danh nghề nghiệp và người lao động theo phân cấp quản lý của Bộ và quy định của pháp luật.
12. Quản lý tài chính, tài sản các nguồn lực khác được giao theo quy định của pháp luật.
13. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao.