Những chặng đường phát triển:
 
1. TRƯỜNG HÀNH CHÍNH (TỪ THÁNG 5/1959 – 9/1961): Ngày 29-5-1959, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phan Kế Toại kí Nghị định số 214-NV thành lập Trường Hành chính. Trường trực thuộc Bộ Nội vụ, có nhiệm vụ huấn luyện cán bộ chính quyền cấp huyện. Đồng chí Tô Quang Đẩu – Thứ trưởng Bộ Nội vụ làm Hiệu trưởng.Khi mới thành lập, Trường đặt cơ sở ở thôn Phù Lưu, xã Xuân Hồng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Tại đây, Trường đã mở khoá huấn luyện đầu tiên cho 216 cán bộ chính quyền cấp huyện, tỉnh. Khoá học khai giảng ngày 16-10-1959 và bế giảng ngày 16-01-1960. Phó Thủ tướng Phan Kế Toại đã khai giảng và bế giảng khoá học. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Chính phủ: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Trần Hữu Dực đã tới thăm và giảng bài cho khoá học. 
 
2. TRƯỜNG HÀNH CHÍNH TRUNG ƯƠNG (TỪ THÁNG 9/1961 – 5/1980)Ngày 29-9-1961, theo Nghị định số 130-CP của Chính phủ, Trường Hành chính đổi tên là Trường Hành chính Trung ương.

 

Trụ sở của Trường Hành chính Trung ương được xây dựng trên khu đất rộng 15.000 m2, tại Láng Hạ – Đống Đa – Hà Nội. Ngày 18-5-1961, công trình được khởi công xây dựng, ngày 25-4-1962 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Học viện Hành chính Quốc gia hiện nay đang làm việc tại cơ sở này.

Khi đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, từ tháng 9-1965 tới cuối năm 1968, Trường sơ tán về xã Đông Côi, huyện Thuận Thành, tỉnh Hà Bắc. Tại đây, Trường tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng cán bộ chính quyền cấp huyện, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ giữa năm 1972, Chính phủ chủ trương tách phần chính quyền ra khỏi Bộ Nội vụ đưa sang Văn phòng Nội chính Phủ Thủ tướng. Bộ Nội vụ thời gian này chỉ làm công tác thương binh – xã hội, nên Trường chỉ tiến hành đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thương binh – xã hội.

ở miền Nam, tháng 5-1974, Trường Cán bộ chính quyền miền Nam được thành lập tại chiến khu miền Đông do đồng chí Nguyễn Ngọc Sắt (tức Ba Linh) làm Hiệu trưởng. Sau khi miền Nam được giải phóng, ngày 30-10-1976, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 213-CP thành lập Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương tại miền Nam. Phân hiệu trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ, đặt tại địa điểm Học viện Quốc gia Hành chính của nguỵ quyền Sài Gòn cũ, số 10 đường 3-2, quận 10, TP. Hồ Chí Minh (cơ sở Học viện Hành chính Quốc gia ngày nay). Phân hiệu do đồng chí Doanh Thắng Lung (tức Ba Lung) và Nguyễn Ngọc Sắt (tức Ba Linh) làm Phân Hiệu phó (không có Phân Hiệu trưởng).

Ngày 30-3-1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 81/CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ trực thuộc Bộ Nội vụ sang trực thuộc Ban Tổ chức của Chính phủ. Trường Hành chính Trung ương tiếp tục nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ chính quyền phục vụ công cuộc hoà bình xây dựng đất nước.

Ngày 30-8-1977, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 231-CP chuyển Trường Hành chính Trung ương từ Ban Tổ chức của Chính phủ sang trực thuộc Phủ Thủ tướng. Trường có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng các cán bộ quản lý nhà nước cao cấp ở các cơ quan trung ương; các chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện và tương đương; cán bộ phụ trách các sở, ty của tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác tổ chức ở cấp tỉnh, thành phố; cán bộ làm công tác giảng dạy ở các Trường Hành chính (nay là Trường Chính trị) các tỉnh và thành phố. Theo Quyết định trên, Trường Hành chính Trung ương có các phân hiệu phụ trách các khu vực:

– Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại Hà Nội chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh phía Bắc.

– Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại TP. Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh phía Nam (B2 cũ).

– Phân hiệu Trường Hành chính Trung ương đóng tại Đã Nẵng chịu trách nhiệm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho các tỉnh miền Trung (khu 5 cũ).            Song, trong thực tế Trường Hành chính Trung ương mới chỉ có hai Phân hiệu tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Dương Văn Phúc – Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

 3. TRƯỜNG HÀNH CHÍNH VÀ KINH TẾ TRUNG ƯƠNG (TỪ THÁNG 5/1980 – 6/1981)

Ngày 12-5-1980, Hội đồng Chính phủ  ban hành Quyết định số 142-CP sát nhập Trường Hành chính Trung ương và Trường Kinh tế Trung ương thành Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương. Giáo sư Mai Hữu Khuê – nguyên Hiệu trưởng Trường Kinh  tế – Kế hoạch – được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng.

Thực hiện Hiệp định kí kết giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên Xô, Trường mở các khoá bồi dưỡng về quản lý kinh tế cho cán bộ trung – cao cấp  do các giáo sư Liên Xô giảng dạy.

 4. TRƯỜNG HÀNH CHÍNH TRUNG ƯƠNG (TỪ THÁNG 6/1981 – 11/1990)

Ngày 08-6-1981, Hội đồng Chính phủ ra Quyết định số 233-CP tách Trường Hành chính và Kinh tế Trung ương thành hai trường: Trường Hành chính Trung ương và Trường Quản lý kinh tế Trung ương. Trường Hành chính Trung ương trực thuộc Chính phủ. Đồng chí Dương Văn Dật – nguyên Thứ  trưởng Bộ Tài chính – được bổ nhiệm  làm Hiệu trưởng.

Ngày 26-9-1981, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ban hành Quyết định số 91/HĐBT về nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Trường Hành chính Trung ương. Từ đây, Trường có căn cứ pháp lý tương đối đầy đủ để hoạt động, đã không ngừng phấn đấu vươn lên, có những bước tiến cơ bản, củng cố và thống nhất được cơ sở Trường tại Hà Nội và Phân hiệu của Trường tại TP. Hồ Chí Minh, quy tụ các Trường Hành chính (nay là Trường Chính trị) tỉnh, thành phố, tạo thành một hệ thống Trường Hành chính làm nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo cán bộ quản lý hành chính nhà nước từ trung ương đến địa phương, tạo đà cho sự phát triển cao hơn của Trường trong giai đoạn mới.

Ngày 09-4-1987, Giáo sư Đoàn Trọng Truyến – nguyên  Bộ trưởng Tổng thư ký Hội đồng Bộ trưởng – được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng theo Quyết định số 121-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Trường thực hiện chuyển đổi nội dung, phương thức bồi dưỡng cán bộ chính quyền phù hợp với yêu cầu thực tiễn, mở rộng hợp tác quốc tế.

 5. TRƯỜNG HÀNH CHÍNH QUỐC GIA (TỪ THÁNG 11/1990 – 7/1992)

Ngày 01-11-1990, Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Trường Hành chính Quốc gia theo Quyết định số 381-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). Trường đã cùng với các cơ quan hữu quan đề xuất với Chính phủ đề án cải cách nền hành chính quốc gia.

Ngày 01-12-1991, GS.TS Nguyễn Duy Gia – nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Phó Hiệu trưởng Trường HCQG – được bổ nhiệm  làm Hiệu trưởng.

 6. HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA (TỪ THÁNG 7/1992 ĐẾN THÁNG 5/2007)

Ngày 06-7-1992, Trường Hành chính Trung ương được đổi tên thành Học viện Hành chính Quốc gia theo Nghị định số 253-HĐBT của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ). GS.TS. Nguyễn Duy Gia làm Giám đốc. Từ đây, Học viện thực hiện chức năng trung tâm đào tạo công chức và nghiên cứu khoa học về hành chính của cả nước, có sự phát triển mạnh mẽ toàn diện, đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều mặt; có những biến đổi rõ rệt về quy mô và chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức nhà nước.

Ngày 16-12-1997, GS.TS Nguyễn Duy Gia thôi giữ chức Giám đốc. GS.TS. Vũ Huy Từ –  nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ,  Phó Giám đốc Học viện – được giao trách nhiệm Phó Giám đốc điều hành theo Quyết định số 108/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 25-9-1998, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Hiến – nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp – được bổ nhiệm làm Giám đốc theo Quyết định số 885/TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Ngày 31-12-2006, TS Nguyễn Ngọc Hiến thôi giữ chức Giám đốc Học viện.

Ngày 01-01-2007, PGS. TS Nguyễn Hữu Khiển – Phó Giám đốc Học viện được giao trách nhiệm Phó Giám đốc điều hành theo Quyết định số 09/QĐ-BNV ngày 08-01-2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phân công thực hiện nhiệm vụ điều hành các hoạt động công tác của Học viện Hành chính Quốc gia.

* Quyết định số 123/2002/QĐ-TTg Ngày 19-9-2002 của Thủ tướng Chính phủ, Học viện từ cơ quan thuộc Chính phủ được chuyển vào Bộ Nội vụ.

Ngày 13-11-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 234/2003/ QĐ-TTg về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Học viện Hành chính Quốc gia. Trong đó, xác định:

– Học viện Hành chính Quốc gia là tổ chức sự nghiệp của Bộ Nội vụ và chịu sự quản lý nhà nước của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

– Học viện Hành chính Quốc gia là Trung tâm quốc gia, tự chủ và tự chịu trách nhiệm về tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính theo quy định của pháp luật; thực hiện các chức năng: đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, các chức danh công chức hành chính các cấp, cán bộ, công chức cơ sở, công chức dự bị, đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên các chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; nghiên cứu khoa học hành chính và tư vấn cho Chính phủ trong lĩnh vực hành chính và quản lý nhà nước.

– Học viện Hành chính Quốc gia có con dấu hình Quốc huy.

– Học viện Hành chính Quốc gia có các hệ đào tạo, bồi dưỡng:

+ Hệ đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về hành chính và quản lý nhà nước.

+ Hệ đào tạo tiền công vụ.

+ Hệ đào tạo đại học chuyên ngành hành chính chính quy, không chính quy và sau đại học theo các chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước.

+ Hệ đào tạo, bồi dưỡng giảng viên, nghiên cứu viên về hành chính và quản lý nhà nước.

+ Hệ đào tạo, bồi dưỡng chuyên đề.

– Học viện Hành chính Quốc gia có các phân viện tại TP. Hồ Chí Minh, thành phố Huế và các phân viện khu vực.

 7. HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH (TỪ THÁNG 5/2007 ĐẾN THÁNG 6/2014)

Từ tháng 5 năm 2007 đến nay hợp nhất Học viện Hành chính Quốc gia và Học viện Chính trị – Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh theo Quyết định số 60-QĐ/TW ngày 07-5-2007 của Bộ Chính trị. Học viện Hành chính Quốc gia được đổi tên Học viện Hành chính.

PGS.TS Nguyễn Trọng Điều – nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Hành chính theo Quyết định số 529-QĐNS/TW ngày 18-8-2007 của BCH Trung Ương.

Từ ngày 1/7/2009 đến nay PGS.TS Nguyễn Đăng Thành – Phó Giám đốc Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh – Bí thư Đảng ủy Học viện Chính trị – Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh được bổ nhiệm làm Giám đốc Học viện Hành chính.

8. HỌC VIỆN HÀNH CHÍNH QUỐC GIA (TỪ THÁNG 7/2014 ĐẾN NAY)

đang cập nhật