Sơ lược quá trình hình thành và phát triển
Viện Địa lí Nhân văn tiền thân là Ban Địa lý kinh tế do Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam thành lập năm 1979, trước yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra đối với xây dựng và phát triển chuyên ngành khoa học Địa lý kinh tế trong cơ cấu của Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam. Đến năm 1988, cùng với sự phát triển của chuyên ngành khoa học này, đồng thời xuất phát từ yêu cầu của thực tế xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội đất nước, ngày 21/3/1988, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam đã ban hành Quyết định số 81/KHXH-QĐ, quyết định đổi tên và chuyển Ban Địa lý kinh tế thành Trung tâm Địa lý kinh tế-xã hội, với tư cách là một đơn vị khoa học có tư cách pháp nhân trực thuộc Uỷ ban Khoa học xã hội Việt Nam.
Theo Quyết định trên, nhiệm vụ chính trị của Trung tâm Địa lý kinh tế-xã hội được quy định là “Nghiên cứu các vấn đề địa lý kinh tế-xã hội các vùng lãnh thổ trong cả nước nhằm cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, cụ thể là nghiên cứu địa lý kinh tế - chính trị và địa lý dân cư trên phạm vi lãnh thổ trong nước và thế giới; biên soạn các công trình nghiên cứu về địa lý kinh tế-xã hội Việt Nam, bao gồm cả địa lý kinh tế-xã hội của các địa phương; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có trình độ sau đại học và trên đại học trong lĩnh vực địa lý kinh tế-xã hội và những công việc liên quan khác”.
Đến năm 1994, Trung tâm Địa lý kinh tế - xã hội được Chính phủ ra quyết định chuyển thành Trung tâm Nghiên cứu Địa lý nhân văn, trực thuộc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia (theo Quyết định số 330-TTg ngày 21 tháng 6 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ).
Sau 10 năm hoạt động, đến năm 2004, xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ mới đặt ra cho khoa học xã hội trong quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH và phát triển nền kinh tế-xã hội đất nước, đồng thời căn cứ vào thực tế phát triển và kết quả hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu Địa lý nhân văn, ngày 20 tháng 02 năm 2004, Chủ tịch Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã ra Quyết định số 171/QĐ-KHXHVN chuyển Trung tâm Nghiên cứu Địa lý nhân văn thành Viện Nghiên cứu Môi trường và Phát triển bền vững, trực thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam.
Sau 8 năm, đến năm 2012 theo Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ, Viện tiếp tục đổi tên trở về với tên Viện Địa lí nhân văn và xác định các chức năng nhiệm vụ được quy định tại Quyết định số 626/QĐ-KHXH ngày 03 tháng 5 năm 2013 với vị trí và chức năng chính: là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, có chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về địa lí nhân văn, nghiên cứu những vấn đề môi trường và phát triển bền vững dưới góc độ khoa học xã hội nhằm cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách tổ chức lãnh thổ nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng; đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học có trình độ cao trong lĩnh vực địa lí nhân văn, lĩnh vực nghiên cứu môi trường và phát triển bền vững, góp phần xây dựng và phát triển khoa học địa lí nhân văn ở Việt Nam; thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế về khoa học địa lí nhân văn và các khoa học có liên quan.
Vị trí và chức năng
1. Viện Địa lí nhân văn là tổ chức nghiên cứu khoa học trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, thực hiện chức năng nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản về khoa học địa lí nhân văn; về khoa học môi trường và phát triển bền vững dưới góc độ khoa học xã hội, cung cấp luận cứ khoa học cho việc hoạch định đường lối, chiến lược, chính sách nhằm mục tiêu phát triển bền vững kinh tế - xã hội và môi trường, an ninh quốc phòng; tư vấn khoa học và tham gia đào tạo phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao trong lĩnh vực khoa học địa lí nhân văn, môi trường và phát triển bền vững.
2. Viện Địa lí nhân văn có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng theo quy định của pháp luật.
3. Viện Địa lí nhân văn có trụ sở đặt tại thành phố Hà Nội; tên giao dịch quốc tế bằng tiếng Anh là: Institute of Human Geography, viết tắt: IHGeo.
Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Trình Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển 5 năm, hàng năm về phát triển Viện Địa lí nhân văn và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt.
2. Nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về địa lí nhân văn: địa lí kinh tế và chính trị, địa lí dân cư, địa lí văn hóa, địa lí sinh thái và môi trường; những vấn đề môi trường và phát triển bền vững, sinh thái nhân văn và những khía cạnh khoa học xã hội trong ứng phó với biến đổi khí hậu; xây dựng, ứng dụng hệ thống thông tin địa lí (GIS) và bản đồ trong nghiên cứu khoa học xã hội phục vụ mục tiêu phát triển các ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương; xây dựng địa chí địa phương.
3. Thực hiện các hoạt động điều tra cơ bản trong nghiên cứu liên ngành về khoa học xã hội, xây dựng cơ sở dữ liệu về địa lí nhân văn, về môi trường và phát triển bền vững phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước, ngành, lĩnh vực, vùng và địa phương.
4. Tham gia góp ý và phản biện khoa học các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội theo yêu cầu của các bộ, ngành, địa phương và theo sự phân công của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
5. Thực hiện cung cấp dịch vụ công về những vấn đề phát triển kinh tế - xã hội và môi trường; tham gia đào tạo đại học, sau đại học phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực khoa học địa lí nhân văn, môi trường và phát triển bền vững phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Viện Địa lí nhân văn.
6. Tư vấn, chuyển giao và ứng dụng khoa học địa lí nhân văn, khoa học môi trường và phát triển bền vững theo yêu cầu của các Bộ, ngành và địa phương.
7. Tổ chức hợp tác quốc tế về nghiên cứu và liên kết đào tạo về khoa học địa lí nhân văn, môi trường và phát triển bền vững với các tổ chức, cơ quan nghiên cứu khoa học, các nhà khoa học; tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo ở trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật.
8. Trao đổi thông tin khoa học với các tổ chức, các cơ quan trong nước và nước ngoài theo quy định; quản lý tư liệu, thư viện của Viện Địa lí nhân văn; xuất bản các ấn phẩm khoa học; phổ biến và đăng tải các kết quả nghiên cứu khoa học và truyền bá kiến thức khoa học địa lí nhân văn.
9. Quản lý về tổ chức bộ máy, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc trong đơn vị; tài chính, tài sản của Viện Địa lí nhân văn theo quy định của Nhà nước và theo sự phân cấp quản lý của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.
10. Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam.